Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần phải xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất là bằng mức tăng của năm 2015, tức là 14,4%, thay vì 12,4% như Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng đề nghị xem xét tăng tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015, thay vì mức 12,4% như Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp trước đó.
Cơ sở để đưa ra đề nghị này, theo ông Đặng Ngọc Tùng là có 4 lý do sau:
Thứ nhất là do tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng đáng kể, GDP đạt 6,5%. Dự báo kinh tế xã hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015 mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%.
"Kinh tế tăng trưởng và phát triển cao hơn, nhưng tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là hoàn toàn không hợp lý và người lao động khó có thể chấp nhận", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Thứ hai, theo quy định của Điều 91 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã nêu: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Bộ Lao động đã cam kết với Tổ chức Lao động Quốc ILO về việc thực hiện đầy đủ Điều 91 Bộ Luật Lao động vào năm 2017.
Do đó, Tổng Liên đoàn đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của Luât Lao động.
Thứ ba, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống và chỉ có 8% người có có tích luỹ.
"Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, và như vậy người lao động sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học hành, nâng cao trình độ", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Thứ tư, về khả năng chi trả của doanh nghiệp. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay trong thực tế doanh nghiệp đă chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%.
Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền lương thực chi cho người lao động đă cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, do năng suất lao động của nước ta còn thấp, nên mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng.
Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn cho rằng, ý kiến trên là chưa đầy đủ, và năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp.
"Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu; quản trị doanh nghiệp không hiệu quả, bộ máy nhân sự cồng kềnh dẫn đến năng suất lao động thấp.
Yếu tố lao động cũng có vai trò quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt", đại diện Tổng Liên đoàn cho biết.
Dựa trên các yếu tố đã phân tích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015 để động viên công nhân lao động thi đua lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt.
Duyên Duyên