Báo New York Times ngày 22.6 bình luận việc tiêm kích Su-27 Nga nghiêng cánh khoe tên lửa, ‘dằn mặt’ máy bay do thám Mỹ hôm 19.6 là cách Nga trả đũa việc chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của không quân Syria ngày 18.6.

Tiêm kích Su-27 Nga nghiêng cánh khoe tên lửa, ‘dằn mặt’ máy bay Mỹ

23/06/2017, 15:18

Báo New York Times ngày 22.6 bình luận việc tiêm kích Su-27 Nga nghiêng cánh khoe tên lửa, ‘dằn mặt’ máy bay do thám Mỹ hôm 19.6 là cách Nga trả đũa việc chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ máy bay cường kích Su-22 của không quân Syria ngày 18.6.

Chiếc Sukhoi-27 Nga (trái) nghiêng cánh khoe tên lửa - Ảnh chụp màn hình từ video chiếu trên Truyền hình nhà nước Nga

Ngày 21.6, Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh video, cho thấy một chiếc F-16 bay song song với máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ở khoảng cách rất gần.

Mỹ - Nga tố nhau bay nguy hiểm

Sau đó, một chiếc Su-27 trong nhóm chiến đấu cơ hộ tống máy bay Nga ráng bay chặn, chen vào giữa chiêc F-16 và máy bay chở Bộ trưởng Shoigu, khi ông đến vùng Kaliningrad để dự cuộc họp bàn việc bảo vệ phía tây Nga.

Tiếp đó, chiếc Su-27 nghiêng cánh để khẳng định có mang theo tên lửa. Chiếc F-16 liền rời đi. Không rõ chiếc F-16 của nước nào.

NATO nói họ đã giám sát 3 máy bay Nga trên biển Baltic ngày 21.6, gồm 2 chiếc Su-27 bị cho là không đáp lại yêu cầu tự nhận dạng.

Hãng thông tấn RIA (Nga) đưa tin máy bay NATO cũng theo dõi máy bay chở ông Shoigu trở về sau cuộc họp, nhưng ở khoảng cách xa.

Điện Kremlin nói trong quá khứ, toàn bộ máy bay Nga trên biển Baltic đều tuân thủ nghiêm luật quốc tế.

Các chính khách Nga gọi đây là vụ khiêu khích mới nhất, một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga nói: một chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ bay sát một chiến đấu cơ Nga trên biển Baltic, và một chiếc RC-135 khác bị chặn đuổi.

Hai quan chức Mỹ cho hãng tin Fox News biết: chiến đấu cơ Su-27 mang tên lửa không đối không của Nga bay cách máy bay do thám RC-135 của Mỹ chỉ hơn 1,5m trên biển Baltic.

Một người nói chiếc Su-27 bay “lạng lách rất thất thường ở tốc độ rất cao”, giống trong phim Top Gun, khi áp sát máy bay Mỹ đang bay gần vùng Kaliningrad của Nga.

Vụ này xảy ra lúc NATO tuyên bố hoàn thành việc dàn 4.500 quân đến Ba Lan và 3 nước vùng biển Baltic là Latvia, Litva và Estonia.

Người còn lại khẳng định từ ngày 2.6, đã có 35 vụ máy bay Nga - Mỹ trên vùng biển Baltic. Tuy nhiên, vụ áp sát mới nhất ở khoảng cách quá gần, rất nguy hiểm.

Hãng tin CBS nêu chiếc Su-27 áp sát cánh của chiếc RC-135 rồi luồn xuống dưới và tái xuất hiện ở cánh bên kia. Mỹ gọi đây là một cuộc bay chặn không an toàn.

Lầu Năm Góc nói máy bay Mỹ “không làm gì để khiêu khích” và vụ bay chặn của Nga là nguy hiểm.

Vào trận mà không có chiến lược nào

Báo New York Times kể lại các hành động trả đũa của Nga, trong bài viết đề cập nguy cơ chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump sa vào một cuộc chiến rộng hơn ở Syria, nơi đang có sự tham chiến của Mỹ và quân đồng minh trên bộ, quân đội Syria có Nga-Iran ủng hộ.

Các lực lượng này có chung mục đích đánh bại bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng khi bọn IS sắp thua trận ở Syria, xem ra các bên quay qua “đập nhau” để tranh giành đất, tầm ảnh hưởng.

Những vụ bay sát nhau của máy bay Nga - Mỹ kể trên chẳng liên quan việc Mỹ đưa quân đến Syria với mục tiêu giúp các đồng minh đánh bại bọn IS.

Ngày 21.6, Đại úy Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc,nói: “Chúng tôi không khiêu chiến với bất kỳ ai, ngoài bọn IS”.

Dù vậy, hàng loạt vụ việc (đã kể trên) khiến giới ngoại giao và quan chức an ninh quốc gia Mỹ phải báo động: có thể Mỹ đang vô tình bị sa vào một vai trò lớn hơn ở nội chiến Syria.

Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ đặt câu hỏi: chính phủ Tổng thống Trump có chiến lược nào nữa hay không, một khi bọn IS đang bị tấn công và bị dự báo là sẽ thua trận ở Syria.

Hiệu trưởng viện nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, ông Vali Nasr nói Mỹ nhảy vào chiến trường Syria mà không vạch ra chiến lược nào: “Chúng ta ngủ gật tiến vào một cuộc chiến mà không nói chúng ta tính làm gì sau đó”.

3 năm trước, khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh không kích các vị trí của bọn IS ở Syria, chỉ đạo của Lầu Năm Góc rất rõ ràng: đánh bại chúng, thông qua việc liên kết với các nhóm nổi dậy chống chính phủ Tổng thống Syria Bashar Assad, nhưng không giúp họ chống ông Assad.

Nay, bọn IS đang thua ở Syria, bị nhiều kẻ thù đánh tơi tả, từ quân đội Syria có Nga - Iran giúp, và từ Mỹ đến các đồng minh khu vực của Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, chúng đã mất một nửa số đất chúng từng chiếm được.

Mỹ hết chỗ tránh quân đội Assad, chưa nói đến quân Nga, Iran.

Vài năm qua, Lầu Năm Góc và các đồng minh có thể tránh đường tiến quân của chính phủ Syria cùng lực lượng Nga - Iran ủng hộ chế độ Assad, vì họ đều cùng đánh bọn IS.

Thế nhưng nay, tất cả các bên đang nỗ lực chiếm các vùng để có thể duy trì - mở rộng tầm ảnh hưởng, mà hậu quả là các bên ngày càng quay qua vừa đập nhau, vừa đánh kẻ thù chung là bọn IS.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc lưu ý: “Khi bộ binh Mỹ có Mỹ ủng hộ phải đối đầu với máy bay không người lái có mang vũ khí, chúng tôi không có cách nào khác ngoài tự vệ và bảo vệ các đồng minh”.

Ý của đại úy Davis giải thích vụ máy bay Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của Iran. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh vụ này không đẩy cao việc Mỹ dính líu vào một cuộc chiến lớn hơn.

Tuy nhiên, trong riêng tư, các quan chức quân sự Mỹ thừa nhận: họ không còn nhiều không gian để tránh đường tiến của quân đội Syria, đấy là chưa nói đến quân Nga và Iran.

Chiến đấu cơ F-18 cất cánh khỏi tàu sân bay Mỹ

‘Điều ông Obama không muốn làm là đấu súng với Nga’

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố Pháp bỏ ý định lật đổ Tổng thống Assad để tập trung chống khủng bố, và ông sẵn sàng làm việc với bất kỳ nước nào, kể cả với Nga, để đạt được mục đích tiêu diệt bọn IS.

Ông Macron cũng nói Pháp đang tìm kiếm “một lộ trình ngoại giao - chính trị”, nhưng ông không nhắc đến Mỹ hoặc LHQ.

Điều này cho thấy ông Macron có lẽ muốn các nước EU giữ một vai trò lớn hơn về ngoại giao cùng nỗ lực thoát khỏi các bên tham chiến.

Thế nhưng cho đến nay, chưa hề có cuộc đàm phán nào giữa các bên, về việc phải làm gì một khi bọn IS bị đánh bại ở Syria.

Trong khi đó, chiến sự gia tăng ở vùng thung lũng sông Euphrates (miền đông Syria). Các quan chức quốc phòng Mỹ nói: họ đang thúc Syria, Iran và Nga quyết giành lại vùng có nhiều nguồn dự trữ nước và dầu mỏ này khỏi tay bọn IS.

Iran không hề muốn quân nổi dậy có Mỹ ủng hộ chiếm vùng này, vì lo ngại họ sẽ gây phức tạp cho việc Iran tiếp tế cho các đồng minh theo đạo Hồi dòng Shiite ở Iraq và Lebanon.

Eric Robinson, nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói: “Bọn IS đã bị xua khỏi miền bắc Syria và thủ phủ tự xưng Raqqa của chúng, và mọi sự đang dồn vào giữa thung lũng sông Euphrates”.

Ông nói tiếp: “Từ đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến lớn hơn, nhất là khi Nga chẳng ngại leo thang căng thẳng, còn Tổng thống Trump được ghi nhận là người “chịu chơi”, sẵn sàng ra tay hành động hơn người tiền nhiệm Obama”.

Derek Chollet, từng là trợ lý Bộ trưởng quốc phòng thời Obama, nói: “Một trong những điều ông Obama không muốn tiến hành, đấy là đấu súng với Nga ở Syria. Nguy cơ leo thang xung đột với Nga luôn là một yếu tố phải tính đến, ở bộ phận lên kế hoạch - điều hành một chiến dịch quân sự của chính phủ Mỹ”.

Ông Chollet còn nói: “Thách thức lớn nhất là Nga sẵn sàng chơi liều, chấp nhận tổn thất để giải cứu ông Assad khỏi tay Mỹ sẵn sàng thí chốt để lật đổ ông Assad.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm kích Su-27 Nga nghiêng cánh khoe tên lửa, ‘dằn mặt’ máy bay Mỹ