Trong một bài phát biểu vào tháng Năm vừa qua, thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố rằng có hai nhà lãnh đạo sẽ chào mừng sự ra đi của Anh khỏi liên minh châu Âu, một trong số đó là tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin có thể mãn nguyện khi thấy Anh rời EU

26/06/2016, 07:57

Trong một bài phát biểu vào tháng Năm vừa qua, thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố rằng có hai nhà lãnh đạo sẽ chào mừng sự ra đi của Anh khỏi liên minh châu Âu, một trong số đó là tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thế giới những ngày này đã nói quá nhiều về Brexit – tên gọi của cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh lựa chọn rời khỏi liên minh châu Âu, và đó là điều dễ hiểu khi đây được xem là một cơn địa chấn lớn nhất có thể xảy ra đối với nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, về quy mô không thua kém gì với sự giảm tốc và nguy cơ khủng hoảng mà nền kinh tế số hai thế giới – Trung Quốc – đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, những sự rối loạn về khía cạnh kinh tế sau Brexit này sẽ dần hồi phục và ổn định trở lại sau khoảng 2-3 năm. Những hệ quả lâu dài về địa chính trị, mới là những tác động lớn nhất và sâu sắc nhất mà Brexit gây ra đối với bức tranh chiến lược toàn cầu

Brexit có thể đang trở thành một chiếc bút chì vẽ lại bản đồ chiến lược toàn cầu trong thế kỷ 21, mà trong đó nước được hưởng lợi nhất chắc chắn phải là Nga, với một thắng lợi kép dành cho xứ sở bạch dương.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế cả thế giới đang rơi vào tình trạng hỗn loạn đặc biệt là trên thị trường tài chính, khi những đồng tiền chủ chốt nhất toàn cầu đang có sự biến động tỷ giá dữ dội nhất, thậm chí người dân Anh vốn là những người đã quyết định Brexit diễn ra cũng đang trở nên hối hận hơn bao giờ hết khi đồng bảng Anh của họ đã sụt giá kỷ lục 10% chỉ trong vòng 1 ngày – mức cao nhất trong vòng 30 năm qua

Khắp thế giới, nền kinh tế nào cũng đang khẩn trương lên kế hoạch đối phó với sự biến động này, từ Mỹ cho đến Trung Quốc, từ Nhật Bản cho đến Ấn Độ và Canada, hay thậm chí là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, chỉ có một quốc gia duy nhất đang thực sự hài lòng về mọi thứ của tình trạng hiện tại, đó là Nga.

Nếu như chỉ nhìn vào những gì mà các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga tuyên bố trong những bài phát biểu về Brexit, như thủ tướng Medvedev hay ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thì dường như Nga không có biểu hiện gì cụ thể, khi tất cả chỉ là những lời phát biểu chung chung về sự thận trọng trước sự kiện quan trọng như Brexit.

Nhưng tất cả những điều đó không thể che giấu được một cơn lốc vui sướng tràn ngập trong các chính trị gia cấp thấp hơn ở xứ sở bạch dương sau khi Anh rời khỏi EU. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin ngay lập tức đã tweet trên trang cá nhân sau khi Brexit diễn ra với một sự vui sướng không giấu giếm: “Nếu không có vương quốc Anh, sẽ không còn một tiếng nói có trọng lượng và sốt sắng trong EU để kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế với chúng ta nữa”.

Cùng quan điểm với thị trưởng Moscow, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đăng một bài viết dài trên trang Facebook cá nhân để chia sẻ niềm vui của mình sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu, với một mức độ sung sướng không thua kém gì những người dân Anh ủng hộ tích cực nhất cho việc rời khỏi EU.

Dù không trực tiếp bày tỏ quan điểm cá nhân về Brexit, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không hoàn toàn giấu được những dấu vết cho thấy cá nhân ông cảm nhận ra sao về sự kiện đặc biệt quan trọng này.

Trong một bài phát biểu vào tháng Năm vừa qua, thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố rằng có hai nhà lãnh đạo sẽ chào mừng sự ra đi của Anh khỏi liên minh châu Âu, một trong số đó là tổng thống Nga Vladimir Putin.

Còn ngoại trưởng Philip Hammond thì tuyên bố Nga là quốc gia duy nhất muốn Anh ra đi, và rằng “ông ấy chắc chắn là đang cảm thấy lạc quan hơn khi triển vọng về việc dần gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của liên minh châu Âu cuối cùng cũng đã đến” sau khi người dân Anh chính thức bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU.

Những gì ngoại trường Anh Philip Hammond tuyên bố về những lợi ích mà Nga sẽ nhận được từ liên minh châu Âu sau sự ra đi của Anh là hoàn toàn chính xác. Vì trên thực tế Anh luôn là một trong những nước duy trì thái độ cứng rắn nhất trong vấn đề gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, và chính điều này đã duy trì sự cân bằng trong chính sách của liên minh châu Âu với Nga so với phe muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt này, mà đứng đầu là Đức.

Giờ đây, khi Anh đã rời khỏi EU, thì không còn gì có thể ngăn cản chính phủ Đức nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và kéo theo phần còn lại của EU như một giải pháp kinh tế bù đắp lại những thiệt hại do sự ra đi của nền kinh tế Anh.

Thậm chí, đã có những dự đoán về việc Đức sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Nga ngay trong tuần tới khi phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel – một người nổi tiếng với chủ trương nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga – sẽ đến thăm Nga. Chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện Nga Konstantin Kosachev tuyên bố đầy hào hứng về chuyến đi này của phó thủ tướng Đức “đó chắc chắn sẽ là một bữa tối tuyệt đẹp”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là lợi ích lớn nhất và lâu dài nhất mà nước Nga giành được sau sự ra đi của Anh khỏi liên minh châu Âu. Nhà quan sát kinh tế-chính trị Nga nổi tiếng đồng thời là cựu đại sứ Mỹ ở Nga là Michael McFaul tuyên bố sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố: “Đêm nay là một chiến thắng lớn cho các chính sách đối ngoại của tổng thống Putin, ông ấy thường hay than thở về sự sụp đổ của Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw, và một sự rạn nứt lớn trong sự hợp nhất của châu Âu hẳn sẽ làm ông ấy rất vui mừng”.

Nói cách khác, món quà lớn nhất mà Nga giành được trong sự kiện lần này là một sự chia rẽ về địa chính trị tại châu Âu. Sự ra đi của Anh không chỉ là một đòn giáng mạnh lên hy vọng thiết lập một liên bang châu Âu mà EU là bước đi ban đầu trong nỗ lực tạo thành một nhà nước siêu liên bang hùng mạnh tại cựu lục địa, mà còn có thể trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi Domino các vụ ra đi khác của nhiều nước thành viên EU – một động thái dẫn tới sự sụp đổ và tan rã hoàn toàn của liên minh châu Âu này, tương tự như những gì đã diễn ra với Liên Xô hùng mạnh vào năm 1991.

Kể cả trong trường hợp sự ra đi của Anh không kéo theo sự ra đi của các nước thành viên EU khác, thì đây cũng là một thắng lợi lớn về chiến lược cho Nga. Cụ thể hơn, việc Anh rời khỏi EU đang cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và EU, trong đó khả năng tác động của Mỹ tới việc hoạch định chính sách ở liên minh châu Âu đã suy giảm đáng kể.

Tổng thanh tra khối doanh nghiệp Nga Boris Titov đã viết trên Facebook cá nhân của mình rằng “Hậu quả lớn nhất và lâu dài nhất của sự kiện này, là Brexit sẽ chia cắt châu Âu khỏi những người Anglo-Saxon. Nó không phải là sự độc lập của Anh với châu Âu lục địa, mà là sự độc lập của liên minh châu Âu với Mỹ”.

Dù không chắc chắn, nhưng việc Anh rời EU đang cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu đang dần suy yếu, và đó là điều mà Nga trông đợi nhất. Một châu Âu không còn chịu ảnh hưởng từ Mỹ sẽ dần nghiêng về chính sách ôn hòa hơn và cân bằng hơn với Nga, cả về kinh tế lẫn chính trị, một cách lâu dài ít nhất là trong thế kỷ 21. Con đường quay trở lại là một cường quốc có thể tác động và phần nào chi phối châu Âu trong quá khứ của Nga có vẻ như đang dần được định hình một cách khá rõ nét.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Putin có thể mãn nguyện khi thấy Anh rời EU