Báo New York Times (NYT) ngày 29.11 nêu kẻ thù số 1 mới của Nga là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, và khẳng định sự bất đồng Nga-Thổ chính do sự cứng rắn của ông không khác Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - kẻ thù số 1 mới của Nga

Một Thế Giới | 30/11/2015, 15:53

Báo New York Times (NYT) ngày 29.11 nêu kẻ thù số 1 mới của Nga là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, và khẳng định sự bất đồng Nga-Thổ chính do sự cứng rắn của ông không khác Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Người đàn ông mạnh mẽ” trở thành “kẻ đâm sau lưng”

Một năm trước, hai ông Putin-Erdogan xem ra đã lập một liên minh kinh tế, khi cùng nhất trí rằng Nga sẽ đầu tư vào một tuyến ống dẫn khí lớn có tên Turkish Stream. Nó sẽ chuyển khí đốt Nga qua TNK vào châu Âu, nhằm thay thế tuyến ống dẫn khí vượt vùng Balkans vốn bị EU phản đối.

Hai  lãnh đạo còn hứa sẽ tăng gấp ba giá trị thương mại song phương hàng năm, từ gần 30 tỉ USD lên 100 tỉ USD kể từ năm 2020.

Việc ông Erdogan công khai ca ngợi dự án trên, vào lúc phương tây kêu gọi cấm vận Nga mạnh-với cớ Nga can thiệp vào khủng hoảng Ukraine đã khiến ông Putin khen ông Erdogan là “người đàn ông mạnh mẽ”, sẵn sàng thách thức phương tây.

Nhưng sau vụ không quân TNK bắn rụng máy bay ném bom Su-24 “Kiếm sĩ” của Nga ở gần biên giới Syria -TNK ngày 24.11, ông Putin gọi ông Erdogan là “kẻ đâm sau lưng”.

Trước  vụ bắn rụng máy bay Nga, tính cách cá nhân của hai lãnh đạo Nga-Thổ - cả hai đều rất cứng rắn, không chấp nhận nhượng bộ, càng làm tăng mồi lửa căng thẳng.

Sự oán giận này đe dọa cuộc nội chiến Syria sẽ còn kéo dài, đẫm máu, và gây ra nỗi sợ NATO có thể bị lôi vào cuộc, nếu căng thẳng Nga-Thổ tiếp tục gia tăng.

Ivan Krastev, nhà khoa học chính trị là chủ tịch tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì các chiến lược tự do (ở Bulgaria) nói:

“Vấn đề là cả hai tổng thống đều có nhận thức cao, và sẵn sàng liều lĩnh cấp độ cao. Cả hai ông Putin và Erdogan đều không muốn tỏ ra yếu ớt. Không ai chịu lùi bước, xin lỗi. Kiểu này thì họ giống như anh em sinh đôi”.  

Các nhà phân tích nói: hai ông Putin-Erdogan giống như tấm gương phản chiếu hình ảnh của mỗi người, và họ không thể giải quyết bất đồng về vụ bắn máy Nga, nếu không có trung gian hòa giải. Ông Krastev nói: “Hai ông không tin nhau. Cả hai bên đều có quá nhiều tham vọng”.

Hai vị lãnh đạo Nga-Thổ thường được mô tả là “thích chiến đấu, không thỏa hiệp, yêu nước và độc tài”, theo NYT vốn nêu thêm, rằng ông Putin đổi chức vụ từ tổng thống qua thủ tướng rồi lại làm tổng thống để tiếp tục điều hành nước Nga, trong khi ông Erdogan cũng đổi chức vụ, muốn sửa đổi hiến pháp TNK để chức tổng thống có thêm quyền lực.

Cả hai ông đều có uy tín cao ở nước họ, đều muốn khôi phục vinh quang cho đất nước vốn bị mất trong Thế chiến 1 - Nga thời Sa hoàng và đế chế Ottoman ở TNK.
Vì thế, đôi lúc ông Putin được cho là giống một vị sa hoàng, còn ông Erdogan là một quốc vương. Cả hai vị lãnh đạo đều nuôi cảm xúc rằng phương tây không hề hoàn toàn đón nhận họ.
Ông Erdogan thách Nga chứng minh được con trai ông buôn chợ đen dầu thô

Tối 29.11, nhà lý luận Dmitry Kiselyev của Điện Kremlin phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga, mô tả kẻ thù số 1 mới của Nga là một người “lừa lọc, không biết kiềm chế, “bám vào dầu giá rẻ do bọn bạo tàn bán cho”, nhắc lại việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc TNK giúp quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS bằng cách mua dầu do chúng bán lậu.

Giới truyền thông Nga cũng liên tục cáo buộc, rằng con trai ông Erdogan dính líu vụ mua-bán lậu dầu thộ này.

Ông Putin đã yêu cầu phải có một lời xin lỗi công khai từ chính lãnh đạo TNK. Nhưng ông Erdogan chưa chịu xin lỗi, nói Nga vu khống con ông làm ăn với khủng bố. Ông nói với đài TV France 24 hồi tuần trước: “Họ phải chứng minh, nếu họ có thế thì Tayyip Erdogan sẽ thôi làm tổng thống”.

Ông Erdogan đã nói TNK có toàn quyền bảo vệ vùng trời. Nhưng sau khi đòi Nga xin lỗi việc xâm phạm vùng trời TNK, ngày 28.11, ông dịu giọng, nói sự cố máy bay Nga bị bắn rơi khiến ông buồn.

Asli Aydintasbas, học giả ở Hội đồng đối ngoại châu Âu, nói: “Ông ấy đang ráng xin lỗi theo một cách riêng, nhưng tôi không nghĩ ông Putin chấp nhận”.

Không thể rõ hai lãnh đạo Nga -Thổ có thể giải quyết được bất đồng hay không. Ngày 30.11, họ đều đến Paris dự hội nghị chuyên đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông Erdogan nói đã gọi điện đến Kremlin, gợi ý có cuộc gặp bên lề giữa ông với Tổng thống Putin.

Phản ứng công khai của ông Putin cho đến nay, là vào ngày 28.11,  ông ký một sắc lệnh ban hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế TNK. Một quan chức cấp cao TNK nói với Reuters: sự trừng phạt này chỉ làm tăng căng thẳng giữa Nga-Thổ.

Hiện chưa  rõ dự án Turkish Stream cùng các dự án lớn sẽ bị tác động vì các kế hoạch cấm vận của Nga hay không.

Một vài nhà phân tích nói: một cuộc đối đầu tiếp tục với TNK nóng hoặc lạnh sẽ nghiêng lợi thế về ông Putin, có thể giúp tăng tốc mục tiêu của ông, là phương tây dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế Nga, mà phương tây từng áp với cớ Nga can thiệp vào khủng hoảng Ukraine.  

Việc Nga đổi hướng sự chỉ trích của phương tây sang một mục tiêu mới, có thể giúp Nga cải thiện quan hệ với phương tây. Nhà khoa học chính trị Nicolai Petrov của trường Higher School of Economics (London) nói: “Nếu bạn là một chỉ huy quân sự, không còn cách để quay trở lại tính hợp pháp thì bạn cần có kẻ thù. TNK chính là ứng viên kẻ thù tốt nhất”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan - kẻ thù số 1 mới của Nga