Tổng thống Vladimir Putin vừa lập Ban Chính ủy trong quân đội liên bang Nga, nhằm kích thích tinh thần yêu nước và trung thành với tổ quốc, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa - chính trị giữa Nga với phương Tây.
Trong một sắc lệnh tổng thống ký ngày 30.7, ông Putin ở vai trò Tổng tư lệnh quân đội Nga đã phong Thượngtướng Andrei Kartapolov làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga kiêm lãnh đạo Ban Chính ủy.
Sắc lệnh thứ hai chỉ đạo Ban Chính ủy có nhiệm vụ cổ súy tinh thần quân đội yêu nước và trung thành với tổ quốc của1 triệu quân nhân.
Bộ Quốc phòng Nga không công bố chi tiết sắc lệnh mới, nhưng một nguồn tin quân sự giấu tên cho nhật báo Kommersant biết: Tướng Kartapolov cũng phụ trách mảng hoạt động của Yunarmiya, một tổ chức thanh niên quân đội yêu nước có sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Nga.
Sắc lệnh này gợi nhớ thời Liên Xô, các quân nhân Hồng quân được các chính ủy (chính trị viên) giáo dục tư tưởng Marx-Lenin. Theo Reuters, vào năm 1918, lực lượng cách mạng Bolshevik đã lập Ban Chính ủy, với nhiệm vụ bảo đảm Hồng quân trung thành với Đảng Cộng sản Liên Xô.
Chuyên gia quân sự Vladimir Scherbakov của nhật báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) nói quyết định phục hồi Ban Chính ủy của Tổng thống Putin đã gây ra những thắc mắc: “Vào thời Liên Xô, Ban này phục vụ quyền lợi của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản. Nay chưa rõ Ban Chính ủy phục hồi sẽ làm gì, và nhất là phục vụ tổ chức chính trị nào”.
Những người khác thắc mắc liệu Ban Chính ủy có là sự khởi đầu của việc phục hồi công tác giáo dục lý tưởng ở môi trường học tập hay không?
Và liệu Ban Chính ủy có là một công cụ mới, được dùng để loại bỏ các quân binh trẻ có vẻ quá dành thiện cảm cho phương Tây?
Phó Tổng biên tập Dmitry Drize của báo Kommersant viết: “Tất cả những điều này là sự dần quay trở về thời Liên Xô”.
Hồi tháng 2, ông Alexander Kanshin, một chuyên gia thuộc tổ chức dân sự chuyên định hình chính sách quân sự Nga, nói với hãng tin Interfax: “Trong điều kiện thông tin toàn cầu hóa, cùng đối đầu tâm lý với phương Tây, vai trò của chính trị và tinh thần đoàn kết trong quân đội Nga và xã hội ngày càng phát triển mạnh.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, mà Điện Kremlin xem là một thành quả lớn, quân đội Nga ngày càng có tầm ảnh hưởng trong chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là ở Syria.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)