Đến thời điểm này đã bước sang học kỳ 2 năm học 2022-2023 nhưng TP.HCM vẫn còn 9 quận, huyện và TP.Thủ Đức đang thiếu giáo viên trầm trọng. Các địa phương này đang chạy đua để tuyển dụng giáo viên.
Tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM vào chiều 2.2, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện TP.HCM còn 9 quận, huyện (4, 6, 10, 11, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận và Cần Giờ) và TP.Thủ Đức đang đang thiếu giáo trầm trọng. Hiện các địa phương này đang tổ chức tuyển dụng viên chức.
Việc thiếu giáo viên tuyển dụng tập trung vào một số bộ môn như: công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ (không bao gồm môn tiếng Anh) đối với cả 3 cấp học. Riêng môn tiếng Anh việc thiếu nguồn tuyển dụng tập trung ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Đánh giá về tình trạng thiếu giáo viên ở TP.HCM hiện nay, ông Minh cho rằng do sinh viên tốt nghiệp đầu ra các chuyên ngành tương ứng với bộ môn thiếu của ngành giáo dục chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nên không đủ điều kiện đăng ký dự tuyển; hoặc những sinh viên này đang theo học khóa đào tạo về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay thì thời gian đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là 1 năm)
Một trong những nguyên nhân khác là do mức lương khởi điểm của các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông là như nhau, nhưng định mức tiết dạy trong một tuần theo quy định thì có sự chênh lệch giữa các cấp học (tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần).
“Dù các địa phương vẫn còn thiếu giáo viên và đang tuyển dụng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của các trường. Hiện các trường này đã sắp xếp, phân công giáo viên của trường dạy thêm giờ và tính lương làm thêm giờ theo quy định; đồng thời ký hợp đồng lao động ngắn hạn, giáo viên thỉnh giảng (cho đến khi tuyển dụng được giáo viên) đối với các bộ môn còn thiếu giáo viên”, ông Minh chia sẻ.
Để giải quyết việc bổ sung đủ giáo viên trong thời gian tới, ông Minh cho biết, ngoài việc tổ chức tuyển dụng thường xuyên, TP đã và đang tham gia báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng tại các trường đại học để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý chủ động sắp xếp phân công nguồn nhân sự tại chỗ, nếu không đủ nguồn sẽ liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Sở cũng ký kết đào tạo, bồi dưỡng với trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TP.HCM để các trường này có cơ sở thông báo cho thí sinh trúng tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên đăng ký theo đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực ở từng cấp học nói chung và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng; hướng dẫn tổ chức tuyển dụng viên chức bằng nhiều hình thức…