Từ ngày 5.10, dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ chính thức được triển khai thực hiện, trong đó nhiều khu vực bị lún sẽ được nâng từ 0,5 m đến 1,2 m. Bên cạnh việc triển khai dự án này, TP.HCM cũng rà soát, kiểm tra lại hiệu quả của siêu máy bơm chống ngập.

TP.HCM chi 473 tỉ nâng ‘rốn ngập’ Nguyễn Hữu Cảnh

Phan Thị Diệu | 03/10/2019, 19:05

Từ ngày 5.10, dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ chính thức được triển khai thực hiện, trong đó nhiều khu vực bị lún sẽ được nâng từ 0,5 m đến 1,2 m. Bên cạnh việc triển khai dự án này, TP.HCM cũng rà soát, kiểm tra lại hiệu quả của siêu máy bơm chống ngập.

Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, từ ngày 5.10, dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ bắt đầu thực hiện.

Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài toàn tuyến gần 3,2 km. Dự án sẽ nâng cao mặt đường ở những nơi bị lún. Trong đó, khoảng 500 m đường bị lún sẽ được nâng từ 0,5 m đến 1,2 m nhằm đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên và cốt nền quy hoạch.

Bên cạnh nâng mặt đường, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh cũng được cải tạo, xây dựng bổ sung. Để thực hiện dự án, sẽ có khoảng 60/459 cây xanh bị đốn, số còn lại được giữ lại, sau khi dự án hoàn thành sẽ bổ sung thêm 130 cây mới.

Ngoài ra, đơn vị thi công cũng cải tạo, xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa một số hạng mục khác dọc tuyến đảm bảo mỹ quan đô thị.

Dự án này có tổng mức đầu tư gần473 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 371 tỉ, thi công trong 14 tháng. Chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị số 1và nguồn vốn lấy từ ngân sách thành phố.

Cũng liên quan đến tuyến đường này, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo sở, ngành nghiệm thu, thanh toán chi phí thuê dịch vụ bơm chống ngập. Trong đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tổ chức nghiệm thu thanh toán 3 trận mưa gây ngập vào các ngày 7.5.2018, 1.6.2018, 28.6.2018 theo các điều khoản đã ký kết tại hợp đồng, phụ lục hợp đồng và theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của máy bơm chống ngập trong thời gian qua, đặc biệt làm rõ thông tin vẫn còn xảy ra tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh sau những trận mưa lớn, trong đó có trận mưa lớn gần nhất vào tối ngày 14.9.2019. Sau đó, báo cáo nguyên nhân và đề xuất UBND TP.HCM giải pháp xử lý nếu vẫn còn xảy ra tình trạng ngập.

Trước đó, báo chí phản ánh cơn mưa lớn ngày 14.9 khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập. Trong đó, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dù đã có “siêu máy bơm” vẫn ngập, có những chỗ ngập tới 20 cm.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xem là "rốn ngập" của TP.HCM từ nhiều năm nay. Để xử lý cấp bách tình trạng ngập, chính quyền TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tự bỏ tiền (hơn 100 tỉ đồng) đầu tư máy bơm công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ. Với cam kết "không hết ngập không lấy tiền", chủ đầu tư vận hành siêu máy bơm từ tháng 10.2017, được thành phố đánh giá cơ bản mang lại hiệu quả và giúp xe lưu thông thuận tiện hơn.

Giá thuê máy bơm được chủ đầu tư đưa ra là hơn 24 tỉ đồng mỗi năm, kéo dài trong 7 năm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ đề nghị thành phố thuê với giá gần 10 tỉ mỗi năm.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM làm chủ đầu tư. Hoàn thành năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm, có tổng vốn đầu tư gần 420 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay khi đưa tuyến đường này vào sử dụng đã xảy ra hàng loạt sự cố và toàn tuyến bị ngập nước khi mưa, ngập nặng khi triều cường.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chi 473 tỉ nâng ‘rốn ngập’ Nguyễn Hữu Cảnh