Đó là phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.

TP.HCM chính thức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1.4

Tú Viên | 25/03/2022, 17:24

Đó là phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.

Ngày 25.3, Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM tổ chức họp báo về việc triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết việc thu phí cảng biển sẽ được các sở ngành, đơn vị thu một cách công khai minh bạch.

img-bgt-2021-thu-phi-cang-bien-1-1648170938-width700height393.jpeg

TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1.4, trong giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến thu được khoảng 16.000 tỷ đồng-Ảnh: PV

Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết TP.HCM đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ tháng 7.2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến ngày 1.10.2021 và sau đó lùi đến 1.4.2022.

Việc lùi thời điểm thu phí với số tiền khoảng 2.205 tỉ đồng (dự thu) được coi như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt đại dịch COVID-19.

Trước đó, từ 0 giờ ngày 16.2 đến hết ngày 15.3, UBND TP.HCM đã giao Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp cùng Cục Hải quan, các doanh nghiệp cảng biển khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển.

Việc thử nghiệm nhưng không thu phí nhằm tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan sớm tiếp cận với hệ thông thu phí trước khi vận hành chính thức vào ngày 1.4.

“TP.HCM đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trước hết. Tất cả các yếu tố đều được cân nhắc, bao gồm thời gian thu phí được vận hành và mức thu. Phí thu được sẽ đầu tư vào khu vực cửa khẩu cảng biển, hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp, chứ không phải trước mắt”, ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở TP.HCM cụ thể như sau: Nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

bnbn.jpeg

Buổi họp báo trưa ngày 25.3 tại TP.HCM

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft.

Riêng những mặt hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh quốc phòng; hàng xuất nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh… thuộc diện miễn thu phí.

Về hình thức thu phí, ông Vương Tuấn Nam, Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin, Cục Hải quan TP.HCM cho biết việc nộp phí hạ tầng cảng biển không sử dụng tiền mặt. Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí sử dụng các hạ tầng giao dịch điện tử liên ngân hàng để nộp phí cho cơ quan thu phí thông qua hệ thống 24/7 của ngân hàng thương mại.

Hệ thống kê khai hải quan và kê khai nộp phí hạ tầng cảng biển có sự chia sẻ dữ liệu thông tin mà doanh nghiệp cung cấp nhưng hoạt động tách biệt nhau. Do đó, hoạt động thu phí không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Trước các câu hỏi xoay quanh vấn đề sử dụng số tiền thu phí hạ tầng cảng biển, ông Bùi Hòa An cho hay tiền thu từ doanh nghiệp sẽ được bổ sung cho nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái như đường Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh… Bên cạnh đó, TP sẽ nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, nạo vét tuyến đường thủy nội địa, đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ…

Đánh giá về mức phí hiện tại, Sở GTVT nhận định mức phí cảng biển áp dụng tại TP.HCM chỉ bằng 50% so với mức phí cảng biển ở Hải Phòng.

Theo tính toán của Sở GTVT, nếu thu đầy đủ đến năm 2025 thì tổng số thu từ phí hạ tầng cảng biển khoảng 16.000 tỉ đồng, chiếm 17% tổng vốn dự kiến đầu tư cho các dự án nâng cấp hạ tầng khu vực cảng biển (93.000 tỉ đồng).

Theo ông Bùi Hòa An, các tuyến đường dẫn vào cảng và hạ tầng khu vực cảng biển được nâng cấp sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe ra vào cảng, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, từ đó giảm chi phí vận chuyển, chi phí phát sinh khác cho doanh nghiệp.

Nói cách khác, việc thu phí hạ tầng cảng biển là để cải thiện chất lượng các dịch vụ liên quan và doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, lâu dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chính thức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1.4