Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng chống ngập là bài toán rất nan giải đối với TP.HCM. Nếu không giải quyết bài toán giảm ngập thì đây là điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố.

TP.HCM: Chống ngập là bài toán rất nan giải

Phan Thị Diệu | 13/07/2019, 06:44

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng chống ngập là bài toán rất nan giải đối với TP.HCM. Nếu không giải quyết bài toán giảm ngập thì đây là điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố.

Chiều 12.7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa 9tiếp tục diễn ra với nội dung chính là báo cáo giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP.HCM.

Một góc quang cảnhkỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX - Ảnh: PD

Đa số dự án chống ngập chậm tiến độ

Báo cáo kết quả giám sát tại kỳ họp, ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP.HCM khẳng định, so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020, công tác chống ngập thành phố đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc.

Cụ thể, thành phố đã hoàn thành việc giải quyết 22 tuyến ngập do mưa, đạt 59,64% kế hoạch. Nhiều điểm ngập trên địa bàn các khu vực quận 5, 6, 9, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi đã giảm ngập hiệu quả.

Ngoài ra, các đơn vị cũng hoàn thành hơn 84% việc nâng cấp các tuyến hẻm theo mục tiêu; hoàn thành chỉnh trang 1.343 tuyến đường hẻm kết hợp kết nối hệ thống thoát nước với các tuyến thoát nước chính...

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng đa số các dự án chống ngập hiện nay bị chậm tiến độ. Nhiều dự án đang triển khai gặp vướng mắc về bố trí vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hay vướng mắc trong xác định pháp lý đất đai, dẫn đến phải điều chỉnh phương án thiết kế.

Một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Việc kết nối hệ thống thoát nước có những khu vực chưa đồng bộ nên hiệu quả thoát nước chưa cao.

Do vậy, ông Kiên nói rằng UBND TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chống ngập, bởi quy hoạch hiện nay đã quá lạc hậu so với tình hình thực tiễn.

Ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP.HCM báo cáo tại kỳ họp - Ảnh: P.D

Nhiều sông, rạch bị lấn chiếm

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị TP.HCM cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác thực hiện chương trình giảm ngập nước.

Theo đại biểu Lê Minh Đức (Thủ Đức), nguyên nhân tình trạng ngập nước hiện nay là do quá trình đô thị hóa dọc các tuyến đường diễn ra nhanh chóng nhưng hạ tầng thoát nước chưa kịp đầu tư nên gây ra tình trạng ngập úng. Vì vậy, để giảm tình trạng ngập nước, TP.HCM cần kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa và xem lại các giải pháp chống ngập có chiến lược tổng thể, toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) nói nhiều năm qua, do sự phát triển quá nhanh của đô thị và không kiểm soát được đã khiến nhiều sông, rạch ở thành phố bị lấn chiếm, thu hẹp hoặc biến mất.

“Vậy giải pháp sắp tới của thành phố là gì để xử lý triệt để tình trạng này? Thành phố có giải pháp nào để ngăn chặn tái lấn chiếm và biện pháp chế tài đối với người vi phạm, cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm?”, bà Trâm đặt vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng hệ thống kênh, rạch TP.HCM rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay một phần do người dân lấn chiếm, một phần do cơ quan quản lý nhà nước cho phép xây dựng lấn chiếm, cho lấp kênh, rạch làm hệ thống cống hộp không đảm bảo việc thoát nước và vấn đề môi trường của thành phố.

“Tôi nghĩ rằng không nên né tránh nữa. Chúng ta phải chỉ ra được cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này thì cơ quan đó mới tập trung, tích cực để đưa ra giải pháp khắc phục, chứ báo cáo còn nói chung chung. Mình không phủ định sạch trơn nỗ lực của UBND TP.HCM, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế để đưa ra giải pháp khắc phục phải mạnh mẽ”, bà Tâm nhìn nhận.

Sẽ rà soát lại quy hoạch

Giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết chống ngập là bài toán rất nan giải. Hiện nay, TP.HCM đối điện với những cơn mưa lớn, kéo dài, đồng thời triều cường không ngừng dâng cao; mặt đất lún là những áp lực lớn đối với thành phố trong việc giải quyết ngập.

Đề cập về giải pháp, ông Hoan nói trong thời gian tới, TP.HCM sẽ rà soát lại các quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến thoát nước đô thị thành phố, quy hoạch cốt nền, quy hoạch mép bờ cao. Cùng với đó, đánh giá, khảo sát lại hiện trạng, chức năng của từng tuyến kênh, rạch để có phương án xử lý cụ thể.

Ngoài ra, TP.HCM đã hình thành Ban Quản lý hạ tầng đô thị TP để quản lý tất cả các dự án công trình có liên quan đến chống ngập, thoát nước, hạ tầng đô thị của thành phố. Cạnh đó, sắp tới sẽ nghiên cứu kỹ, sâu hơn để giải quyết bài toán xử lý những vấn đề xâm phạm kênh rạch hiện nay.

“Đã đến lúc chúng ta nhận thức rằng, nếu không giải quyết bài toángiảm ngập chắc chắn đời sống người dân TP.HCM sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không phải chỉ ảnh hưởng ở một bộ phận dân cư mà dường như ảnh hưởng đến toàn bộ dân cư thành phố. Nó không chỉ dừng lại ở đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường xã hội, môi trường đầu tư. Nếu không giải quyết bài toán giảm ngập thì nó là điểm nghẽn của quá trình phát triển kinh tế TP.HCM”, ông Hoan nhìn nhận.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Chống ngập là bài toán rất nan giải