Chi hơn 2 triệu đồng để filler (chất làm đầy) nâng mũi, cô gái 30 tuổi bị bầm tím mũi, miệng, vùng nhân trung và môi phù nề, mũi xuất hiện các nốt có mủ, hoại tử da vùng mũi rất nguy hiểm.

TP.HCM: Cô gái 30 tuổi bị bầm tím mặt, hoại tử sau khi nâng mũi giá 2,4 triệu tại spa

Hồ Quang | 24/12/2021, 13:47

Chi hơn 2 triệu đồng để filler (chất làm đầy) nâng mũi, cô gái 30 tuổi bị bầm tím mũi, miệng, vùng nhân trung và môi phù nề, mũi xuất hiện các nốt có mủ, hoại tử da vùng mũi rất nguy hiểm.

Ngày 24.12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm sau khi nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler tại một spa trên địa bàn quận Bình Tân.

Theo thông tin ban đầu, trước đó 3 ngày, chị N.T.K.L (30 tuổi, ngụ tại Bình Tân, TP.HCM) được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa ở quận Bình Tân để tiêm filler nâng mũi. Tại đây chị được chủ spa tư vấn tiêm 2cc filler Hàn Quốc với giá 1.200.000đ/cc. Tổng cộng chị L. tiêm 2cc filler với giá 2.400.000đ.

tphcm-co-gai-30-tuoi-bam-tim-mui-mieng-hoai-tu-sau-khi-nang-mui-tai-spa-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM xử lý tình trạng biến chứng của bệnh nhân - Ảnh: L.A

Sau khi thỏa thuận xong chi phí, nhân viên spa đã sử dụng một ống tiêm gắn kim dài và tiêm vào vùng mũi của chị. Theo chị L., trong quá trình tiêm, chị thấy tê vùng miệng nên báo cho người thực hiện nhưng người này nói “bình thường” và tiếp tục tiêm.

Khoảng mấy giờ sau tiêm, vùng miệng chị L. sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê…, chị liên hệ lại spa nhưng chủ spa bảo đây là “biểu hiện bình thường sẽ hết sau vài ngày”. Tuy nhiên 2-3 ngày sau, da bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng, chị L. liên hệ lại spa và được giải thích “da đang đào thải độc tố” và sau đó do quá lo lắng, chị đến trực tiếp spa và được tiêm thuốc giải nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, da đỏ và mụn mủ nổi nhiều hơn, bệnh nhân vội vàng đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM cầu cứu.

TS-BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết tình trạng biến chứng của bệnh nhân lúc ấy rất nghiêm trọng. Toàn bộ vùng mũi, miệng bị bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề, trên mũi xuất hiện các nốt có mủ, đóng mày vàng, bệnh nhân không sốt, than đau, ăn uống kém…

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có biểu hiện của tình trạng hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy.

“Nguyên nhân có thể do tắc mạch khi tiêm một lượng filler khá lớn (2cc) vào vùng mũi cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu hoặc tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng, cũng như chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo cũng sẽ góp phần làm nặng thêm biến chứng”, bác sĩ Tú nhận định.

Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau 1 tuần, tình trạng hoại tử da được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên khi da lành để lại vết sẹo trên mũi, đỏ và hơi lõm.

Theo bác sĩ Tú tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da…

“Để tiêm chất làm đầy vùng mũi an toàn hơn, tốt nhất nên sử dụng cannula hơn kim, nhất là đối với những bác sĩ mới thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy, chưa có nhiều kinh nghiệm. Với bệnh nhân này, trong quá trình tiêm, bệnh nhân đã báo bị tê vùng miệng, nhưng người thực hiện không nhận ra đây là dấu hiệu chèn ép mạch máu mà tiếp tục tiêm nên dẫn đến tình trạng tai biến càng trầm trọng hơn, gây hoại tử da, có thể sẽ để lại sẹo xấu sau đó, gây khó khăn cho việc phục hồi về sau” bác sĩ Tú nói.

Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trung bình mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Trong nhiều năm trở lại đây, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ. Nó giúp làm đầy các rãnh nhăn sâu vùng mặt, nâng mũi, hõm má, hõm thái dương, rãnh mũi má, tạo hình cằm, tạo hình môi, tạo khuôn mặt V-line… Tuy nhiên theo quy định của Bộ Y tế, người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy và cơ sở thực hiện tiêm chất làm đầy phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng… sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Bài liên quan
TP.HCM hướng dẫn về tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025
Ngày 26.4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn về tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 đến phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Cô gái 30 tuổi bị bầm tím mặt, hoại tử sau khi nâng mũi giá 2,4 triệu tại spa