Đến ngày 31.3.2023, các cơ sở giết mổ thủ công sẽ chuyển dần vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp.
Bà Lê Đinh Hà Thanh – Phó Chi Cục thú y và chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) đã cho biết như thế tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP vào chiều 23.2.
Theo bà Thanh, nếu như trước đây, TP có gần 50 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng đến nay qua định hướng, chấn chỉnh, sắp xếp, TP chỉ còn 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Tại Quyết định 231 của UBND TP nêu rõ, đến ngày 31.3.2023, các cơ sở giết mổ thủ công sẽ chuyển dần vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp.
Hiện TP có 6 nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung ở huyện Củ Chi (nhà máy giết mổ Lộc An, Công ty giết mổ An Hạ, nhà máy giết mổ VISSAN, nhà máy giết mổ thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), huyện Hóc Môn (2 nhà máy giết mổ thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Hóc Môn). Riêng gia cầm sẽ chuyển cơ sở giết mổ An Nhơn (quận Gò Vấp) về huyện Củ Chi, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2023.
Như vậy, hiện nay TP còn 7 cơ sở giết mổ thủ công. Quy trình giết mổ thủ công ở TP vẫn đảm bảo các điều kiện vệ sinh, được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Do đó, các sản phẩm đưa ra từ những cơ sở giết mổ này vẫn được các cơ quan chức năng cho phép lưu thông trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, với mục tiêu xu hướng đô thị hóa cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong khu đô thị, TP đã từng bước chuyển dần sang các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung nhằm giúp cho công tác kiểm tra, kiểm soát được hiệu quả hơn.
Để triển khai việc này, TP đã ban hành nhiều kế hoạch, trong đó có kế hoạch nâng cao công suất của các nhà máy công nghiệp. Hiện TP có tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tổ công tác này cũng hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ thực hiện các thủ tục. “Trong thời gian qua, các cơ sở giết mổ cũng tích cực, nhưng việc thực hiện các thủ tục để hoàn thiện chuyển sang nhà máy giết mổ công nghiệp còn chậm do trong thời gian qua ảnh hưởng của dịch COVID-19”, bà Thanh nói.
Đề cập đến việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, bà Thanh cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho Chi Cục thú y và chăn nuôi, các trạm chăn nuôi thú y quận - huyện tham gia các đoàn liên ngành quận - huyện. Tại các quận huyện , UBND quận - huyện cũng thành lập các đoàn liên ngành phòng chống dịch trên động vật với thành phần là lực lượng thú y ở các trạm thú y. Lực lượng này tham mưu về công tác chuyên môn thú y, hình thức xử lý, giám sát, lấy mẫu…
Trong năm 2022 vừa qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP và quận -huyện đã xử phạt 189 trường hợp vi phạm về giết mổ gia súc, gia cầm với số tiền phạt khoảng 800 triệu đồng; xử phạt 7 trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Ngoài ra, TP còn phát hiện 6.000 trường hợp vi phạm đã bỏ hàng với khoảng 2.000.000 kg.
Theo bà Thanh, quy định động vật đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung tùy theo định hướng bố trí của các địa phương, trong đó phải có giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm… Việc quản lý các cơ sở giết mổ là thuộc chính quyền địa phương, kiểm soát quy trình giết mổ là của cơ quan thú y địa phương.
Trong định hướng của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục thú ý là đưa dần các nhà máy giết mổ công nghiệp tự động, hiện đại. Trong quá trình quản lý, từ khâu sản xuất ban đầu đến vận chuyển, tiêu thụ, các cơ quan chức năng sẽ giám sát từng khâu, nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào sẽ xử lý khâu đó.