Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng nay (13.8).

TP.HCM đang xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa lại nền kinh tế

Hồ Quang | 13/08/2021, 13:55

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào sáng nay (13.8).

Theo ông Mãi, thời gian qua tình hình dịch bệnh COVID-19 và việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm thiệt hại lớn về kinh tế. Trước mắt, TP phải đảm bảo sản xuất các sản phẩm thiết yếu để cung cấp cho sinh hoạt và hoạt động phòng chống dịch.

Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM cũng đang xây dựng kế hoạch duy trì các hoạt động kinh tế ở mức phù hợp và từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

tphcm-dang-xay-dung-ke-hoach-tung-buoc-mo-cua-nen-kinh-te-hinh-anh(1).png
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: PV

“Thành phố đang tính toán trong điều kiện diễn biến tốt hơn để mở cửa lại nền kinh tế phù hợp ở những địa bàn, những ngành đảm bảo được an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch. Đây là một kế hoạch rất lớn”, ông Mãi cho biết.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá qua gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM và các cấp đã có sự tập trung rất lớn trong việc thực hiện Chỉ thị 16 một cách đồng bộ hơn, hiệu quả hơn.

Ý thức của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi chung cư… đã có sự chuyển biến rất tốt. Một số chung cư đã có những mô hình tự quản rất hiệu quả. Không chỉ trên địa bàn dân cư mà trong các cơ quan, đơn vị, trong các chung cư, các nhà máy đều có mô hinh tự quản. Điều này cho thấy tinh thần tự quản rất cao của người dân.

“Khi người dân đã tự bảo vệ mình, gia đình mình, cộng đồng mình và tự giác tham gia các hoạt động thì hoạt động phòng chống dịch thành công. Đây là một kết quả nổi bật trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian vừa qua. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì tinh thần này, cách làm này, kết quả này để đạt được kết quả đồng bộ hơn, cao hơn trong thời gian tới”, ông Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Mãi, công tác phòng chống dịch trong gần 2 tuần qua đã có một bước tiến tốt hơn về mặt hệ thống tổ chức; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng. Có thể nói đến thời điểm này, tại các địa bàn xã, phường, thị trấn đã nắm được chặt chẽ hơn danh sách F0; tổ chức ráp nối với các bác sĩ, các tình nguyện viên tư vấn trực tuyến cho các F0 hàng ngày.

Sự phối hợp giữa tình nguyện viên tư vấn trực tuyến và đội ngũ y tế tại cơ sở trong việc quản lý, tư vấn F0 tại nhà đã được thực hiện được bài bản hơn, thống nhất hơn, dù chưa phải là hoàn chỉnh. “Nếu chúng ta làm tốt điều này, cộng với một số điều chỉnh trong chiến lược mới ở giai đoạn sắp tới chắc chắn chúng ta sẽ thu hoạch được kết quả tốt hơn”, ông Mãi nói.

Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, ông Mãi cho biết, TP đang tập trung vào việc nâng cao năng lực điều trị. Trong điều kiện số ca mắc COVID- 19 tăng cao, số người có nhu cầu điều trị tăng cao, số bệnh nhân chuyển nặng nhiều hơn nhiệm vụ điều trị phải tập trung cao độ. Hiện nay hầu hết các bệnh viện quận đều đã được trang bị hệ thống oxy.

Bên cạnh đó, TP cũng đã chỉ đạo các bệnh viện quận huyện, bệnh viện dã chiến phải rà soát lại nhu cầu oxy, nếu cần thiết tiếp tục trang bị mở rộng thêm để sẵn sàng cho chiến dịch điều trị tại bệnh viện trong thời gian sắp tới. Vì vấn đề oxy là vấn đề có tính chất quyết định trong công tác điều trị.

Để tập trung cho công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, các trung tâm hồi sức quốc gia… đã khẩn trương tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế và đi vào hoạt động.

Theo đó, đến nay Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM đã tiếp nhận đến 640 giường bệnh nhân và đang hướng tới 1.000 giường; Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai điều hành đã tiếp nhận được 30 giường bệnh nhân; Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Việt Đức điều hành đã tiếp nhận 40 giường bệnh nhân; Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều hành đã tiếp nhận 50 giường bệnh nhân. Riêng trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế điều hành đang triển khai các trang thiết bị để cuối tuần này có thể tiếp nhận những giường bệnh nhân đầu tiên.

Bài liên quan
TP.HCM còn thiếu khoảng 14.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
Với gần 2,4 triệu hộ dân, TP.HCM cần hơn 16.000 cộng tác viên (CTV) sức khỏe cộng đồng nhưng hiện chỉ mới tuyển được hơn 2.000 người, còn thiếu khoảng 14.000 người chưa thể tuyển dụng được.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đang xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa lại nền kinh tế