Chiều 4.3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đến năm 2023.
Theo dòng thời sự

TP.HCM đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tú Viên 04/03/2024 17:40

Chiều 4.3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đến năm 2023.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, TP.HCM cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực thương mại dịch vụ năm 2023 có mức tăng trưởng 6,79% so với năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM tăng 4,3% so với cùng kỳ.

TP.HCM thực hiện một số chính sách miễn, giảm thuế, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đạt 39.308 tỉ đồng; đến cuối năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP.HCM đã giải ngân tín dụng ưu đãi cho 4.013 khách hàng với số tiền 174,5 tỉ đồng.

04-03-2024-tphcm-trien-khai-nhieu-giai-phap-thuc-hien-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-ho-tro-ch-6eb331d2-details.jpeg
TP.HCM kiến nghị Quốc hội giảm thuế suất VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí đã thực hiện quyết toán năm 2022 và năm 2023 là hơn 977 tỉ đồng cho 800.709 người lao động.

Chính sách hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến cuối năm 2023 với tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất (2%/năm) lũy kế đạt 439,7 tỉ đồng, chiếm khoảng 40% về số tiền đã hỗ trợ của cả nước.

TP luôn quan tâm, kịp thời bố trí ngân sách, nguồn lực cho các dự án đầu tư công, các dự án trọng điểm, liên kết vùng phù hợp với quy định. Tính đến hết ngày 31.1.2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP đã giải ngân là 48.042 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch…

TP tiếp tục thực hiện hỗ trợ chi phí sử dụng các dịch vụ viễn thông di động hàng hải cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển và hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất cho các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, các trạm y tế tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Trên địa bàn TP có 125 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (76 doanh nghiệp nhà nước và 49 doanh nghiệp ngoài nhà nước) với tổng số tiền trích quỹ hơn 5.509 tỉ đồng, số tiền chi sử dụng quỹ gần 1.912 tỉ đồng.

Về điều chuyển từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của TP, có 15 doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều chuyển cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của TP với số tiền hơn 45 tỉ đồng.

Kiến nghị giảm thuế suất VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM kiến nghị giảm thuế suất VAT trong Luật Thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các nước trong khu vực và kiến nghị sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.

TP.HCM đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức khác như: khen thưởng trên doanh thu xuất khẩu, mở thị trường mới; tăng mức hỗ trợ chi phí gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, chi phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Khi ban hành chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động nên thực hiện theo hướng phương thức chi trả một lần với số tiền cụ thể; xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với các trường hợp vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở từ 500 triệu đồng lên tối đa không quá 1 tỉ đồng.

Đề xuất Chính phủ xem xét gia hạn thời gian thi hành Nghị định số 94 về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31.12.2024; chỉ đạo các bộ, ngành sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các luật mới được Quốc hội ban hành (như Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024…).

Về thực hiện Nghị quyết 57 đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 76,34 m và thời gian thực hiện đến hết năm 2027, chia dự án thành 8 dự án thành phần qua TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Dự án qua địa bàn TP có chiều dài khoảng 47,51km với 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1: xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM, tổng mức đầu tư là 22.411,380 tỉ đồng; dự án thành phần 2: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP, tổng mức đầu tư là 18.976 tỉ đồng. Tổng số trường hợp ảnh hưởng khoảng 1.671, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 410,439ha.

Trong năm 2023, dự án thành phần 1 đã tạm ứng, thanh toán với số vốn là 4.752 tỉ đồng và dự án thành phần 2 đạt giá trị giải ngân đạt khoảng 10.288 tỉ đồng (không sử dụng hết số vốn ngân sách trung ương đã bố trí là 1.212 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương đã bố trí là 3.251 tỉ đồng).

Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều phối nguồn vật liệu xây dựng (nguồn cát san lấp và đất đắp) đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Bài liên quan
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội