Theo đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ hoạt động với điều kiện không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu bia.

TP.HCM đề xuất hoạt động cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ

Hồ Quang | 25/10/2021, 16:30

Theo đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ hoạt động với điều kiện không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu bia.

Ngày 25.10, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã có Tờ trình 1763 gửi UBND TP.HCM về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn TP.

Trong bộ tiêu chí này, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải đáp ứng điều kiện không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín, không bán rượu bia. Khách ăn uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

tphcm-de-xuat-co-so-kinh-doanh-an-uong-tai-cho-khongduoc-ban-bia-ruou-hinh-anh(1).png
Cơ sở kinh doanh phục vụ khách tại chỗ có vách ngăn cách khách ăn - Ảnh: PV 

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực thực phẩm) và có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.... (theo Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 30.9.2021 của UBND TP.HCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM).

Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan…).

Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao - nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.

Người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 (khai báo y tế, tiêm ngừa vắc xin, thực hiện xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19…).

Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết hiện đơn vị đang chờ UBND TP phê duyệt để có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở kinh doanh hoạt động đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là việc kinh doanh ăn uống tại chỗ, nhằm từng bước đưa TP trở về trạng thái bình thường sau dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đề xuất hoạt động cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ