Trong thời gian qua, danh mục thuốc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh tại các trạm y tế, chưa phù hợp với mong mỏi thực tế của người dân và cả bác sĩ điều trị.
Thông tin Y học

TP.HCM: Dự kiến tháng 9 tới sẽ có thuốc cung ứng cho các trạm y tế

Hồ Quang 17:18 16/07/2024

Trong thời gian qua, danh mục thuốc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh tại các trạm y tế, chưa phù hợp với mong mỏi thực tế của người dân và cả bác sĩ điều trị.

Ngày 16.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế đối với gói thầu thuốc generic với hơn 400 danh mục thuốc và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền với gần 60 danh mục thuốc. Dự kiến đến tháng 9.2024, sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu để bắt đầu cung ứng thuốc cho các trung tâm y tế, trạm y tế.

tphcm-du-kien-thang-9-toi-se-co-thuoc-cung-ung-cho-ca-tram-y-te-hinh-anh.png
Thuốc tại các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM đang thiếu trầm trọng - Ảnh: PV

Trong những năm qua, các trung tâm y tế trên địa bàn TP đã triển khai đấu thầu thuốc cho các trạm y tế nhưng kết quả đấu thầu cung ứng thuốc của hầu hết các trung tâm y tế quận huyện và TP.Thủ Đức còn hạn chế. Danh mục thuốc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh tại các trạm y tế, chưa phù hợp với mong mỏi thực tế của người dân và cả bác sĩ điều trị.

Lý giải về điều này, Sở Y tế TP.HCM cho biết nguyên nhân là công tác mua sắm thuốc cho tuyến y tế cơ sở đang gặp một số khó khăn như quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc kéo dài, số lượng mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chính là nhiều nhà cung ứng không tham dự thầu khi số lượng mua sắm thuốc của mỗi trung tâm y tế nhỏ lẻ so với số lượng thuốc cung ứng cho các đơn vị điều trị tuyến trên. Ngoài ra, nhân lực của trung tâm y tế thực hiện đấu thầu vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu tính chuyên nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Y tế cho biết đã xác định “đảm bảo cung ứng thuốc cho tuyến y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế TP”.

Những quy định mới về đấu thầu thuốc, trong đó có quy định tại khoản 5 điều 53 Luật Đấu thầu đã giải quyết được vướng mắc về công tác mua sắm nhỏ lẻ tại trung tâm y tế. Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cùng loại có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm, hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện việc mua sắm.

Ngay từ khi Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc chung cho tuyến y tế cơ sở để tăng cường năng lực cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt là trạm y tế trên địa bàn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của UBND quận huyện, TP.Thủ Đức và thống nhất triển khai thực hiện cho các trung tâm y tế.

Hiện sở đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế đối với gói thầu thuốc generic với hơn 400 danh mục thuốc và gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền với gần 60 danh mục thuốc.

Sở Y tế giao cho Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Y học cổ truyền để làm bên mời thầu cho 2 gói thầu trên và huy động nhân lực của ngành y tế tham gia hỗ trợ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Các bệnh viện đang khẩn trương thực hiện và dự kiến đến tháng 9.2024, TP sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu để bắt đầu cung ứng thuốc cho các trung tâm y tế, trạm y tế.

Mới đây, ngày 10.7.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Theo đó, trong lĩnh vực y tế, TP.HCM được phân cấp quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm thuốc theo quy định cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP.

Với sự phân cấp này, Sở Y tế cho biết TP sẽ chủ động hơn trong việc nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác, đặc biệt đối với các thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa đặc trị.

Riêng đối với thuốc hiếm, Sở Y tế đã thường xuyên liên hệ với Bộ Y tế để có nhiều biện pháp hỗ trợ bệnh viện. Trong thời gian qua, Sở Y tế đã báo cáo Cục Quản lý dược và kịp thời nhập khẩu về Việt Nam một số thuốc hiếm để đáp ứng nhu cầu điều trị như: thuốc globulin, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, methotrexat... Một số thuốc cũng đã được hoàn tất thủ tục cấp phép và đang được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.

Bài liên quan
Bộ Y tế: Không để thiếu thuốc và đầu cơ, tăng giá thuốc chữa đau mắt đỏ
Ngoài không để thiếu thuốc điều trị, các địa phương không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Dự kiến tháng 9 tới sẽ có thuốc cung ứng cho các trạm y tế