Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp khiến Sở GD-ĐT và Sở Y tế phải thực hiện giao ban mỗi ngày để bàn biện pháp phòng chống dịch.

TP.HCM: F0 liên tục tăng, ngành y tế và giáo dục lập tức họp giao ban mỗi ngày

Hồ Quang | 21/02/2022, 19:55

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp khiến Sở GD-ĐT và Sở Y tế phải thực hiện giao ban mỗi ngày để bàn biện pháp phòng chống dịch.

Tình trạng học sinh mắc COVID-19 tại trường sẽ còn phức tạp

Chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vào chiều 21.2, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết hiện TP đang có 11.323 F0 đang cách ly tại nhà và 1.278 F0 điều trị tại cơ sở y tế. Dù đây là con số khá cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây.

Theo ông Tâm, hiện nay số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhưng việc chăm sóc F0 tại nhà không gặp khó khăn nào. Do số lượng người dân tiêm vắc xin đạt tỷ lệ khá cao nên việc chuyển biến nặng  và tử vong khá thấp.

tphcm-f0-lien-tuc-tang-nganh-y-te-va-giao-duc-lap-tuc-hop-giao-ban-moi-ngay-anh-anh(1).png
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chia sẻ với báo chí vào chiều 21.2 - Ảnh: PV 

Trong khi đó, theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM), ngày 17.2, tổng số học sinh bị mắc COVID-19 tại trường là 95 ca; trong ngày 18.2 là 112 ca. Trong tuần đầu tiên đi học của học sinh mầm non và tiểu học, có 13 trẻ mầm non và 75 học sinh tiểu học mắc COVID-19 tại trường.

“Dự kiến trong tuần này, tình hình phòng chống dịch tại trường sẽ tiếp tục có những khó khăn và diễn biến phức tạp. Đây cũng là tình hình chung của TP. Hiện các trường đang rất nỗ lực để thực hiện công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh học trực tiếp”, ông Trọng nói.

Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng hiện nay các trường đang có sự lúng túng trong việc xử lý các F1 đối với học sinh và trẻ mầm non. “Việc xác định F1 được thực hiện theo công văn 11042. Theo đó, nếu trong lớp có học sinh F0 thì chỉ có một số học sinh F1 chứ không phải tất cả các học sinh trong lớp đều là F1. Đối với việc xử lý học sinh F1 được phân thành 2 trường hợp. Trong đó, trường hợp học sinh F1 được tiêm đủ liều vắc xin thì sẽ theo dõi tại nhà 5 ngày, nếu ngày thứ 5 xét nghiệm âm tính sẽ đi học trực tiếp trở lại; còn học sinh chưa tiêm vắc xin và chưa tiêm đủ liều phải nghỉ ở nhà theo dõi 7 ngày”, ông Trọng chia sẻ.

Hiện nay ngành giáo dục và y tế đang chuẩn bị tờ trình UBND TP để có phương án kiểm soát dịch trên địa bàn TP trong các cơ sở giáo dục, trong đó có việc xử lý F0 và F1 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh học trực tiếp trong giai đoạn sắp tới.

“Hiện Sở Y tế và Sở GD-ĐT thống nhất tiến hành họp giao ban định kỳ hàng ngày bắt đầu từ ngày mai (22.2). Cả 2 đơn vị sẽ họp giao ban nhanh vào cuối ngày để có sự chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục, các cơ sở y tế; phối hợp trong việc phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi tiến hành học trực tiếp, để đảm bảo an toàn tối đa cho các học sinh”, ông Trọng cho hay.

Cả 2 ổ dịch trong cộng đồng đã được kiểm soát

Liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại Tu viện Don Bosco Bến Cát (đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp), ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết tu viện này đang hỗ trợ và tạo điều kiện cho 140 em học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 trên địa bàn quận Gò Vấp. Ngoài ra, tu viện này còn có 20 linh mục, tu sĩ đang sinh hoạt ở đây.

Ngày 15.2, tại Trường THCS An Nhơn đã phát hiện 1 học sinh mắc COVID-19. Qua xác minh thì học sinh này đang sinh sống tại Tu viện Don Bosco Bến Cát. Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận Gò Vấp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành các biện pháp phòng chống dịch.

Sau khi tiến hành khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm thì phát hiện 54 F0; trong đó có 1 tu sĩ, còn lại là các em học sinh. Toàn bộ 54 F0 được cách ly tại một dãy nhà riêng của tu viện và cơ quan chức năng đã tiến hành phun, xịt khử khuẩn tu viện. Qua điều tra dịch tễ xác định được 53 F1.

“Các linh mục, tu sĩ ở một khu vực riêng nhưng qua theo dõi đến nay không có biểu hiện gì. Đối với các F0 đến nay đã 6 ngày đều không có dấu hiệu hay triệu chứng gì nặng”, ông Anh thông tin.

Riêng ổ dịch tại chung cư 89 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1), ông Nguyễn Duy An - Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết, ngày 18.2, Trạm Y tế phường Bến Nghé nắm thông tin một số cư dân ở chung cư này có các triệu chứng của COVID-19. Ngay sau đó, trạm y tế này đã tiến hành test nhanh thì phát hiện 6 trường hợp dương tính.

Đến ngày 20.2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 1 đã chỉ đạo trạm y tế test nhanh toàn bộ người dân ở chung cư trên và phát hiện thêm 17 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 23 trường hợp.

Qua đánh giá, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch nhận thấy đây là một chung cư nhỏ nhưng rất đông dân cư. Đặc biệt là vào buổi trưa hàng ngày có nhiều người đến gửi xe tại đây để ăn trưa nên đã quyết định thực hiện phong tỏa tạm thời, tiến hành xét nghiệm lần 2 toàn bộ các hộ dân ở chung cư này để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguồn lây.

“Hiện nay qua kết quả xét nghiệm sàng lọc, Trạm Y tế phường Bến Nghé xác định ổ dịch tại chung cư này đã cơ bản được kiểm soát. Do đó, trong ngày hôm nay (21.2) đã kết thúc việc phong tỏa tại đây”, ông An nói.

Trong những ngày tới, ông An cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm 5 ngày/lần cho đến khi không còn phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19 tại đây. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính được đi lại nhưng giới hạn việc giao tiếp, không được tham dự các sự kiện tập trung quá 10 người. Ngành y tế và địa phương sẽ tăng cường giám sát những trường hợp F0 để tránh lây lan và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đánh giá về 2 ổ dịch trên, ông Nguyễn Hồng Tâm biết cả 2 ổ dịch này đều làm rất tốt công tác chống dịch từ điều tra, truy vết. Tại 2 ổ dịch này, trong ngày 15 và 16.2 đã thực hiện xét nghiệm lần 1 phát hiện thêm 24 F0, nhưng đến ngày 19.2 thực hiện xét nghiệm lần 2 chỉ phát hiện 3 F0. “Như vậy, hiện cả 2 ổ dịch trên đã được kiểm soát”, ông Tâm nhấn mạnh.

“Tình hình dịch bệnh tăng cao trong những ngày qua, người dân không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không nên quá hoang mang, vì trong tình hình thích ứng an toàn với dịch COVID-19, TP đã chứng minh kiểm soát dịch có hiệu quả”, ông Tâm khuyến cáo.

Bài liên quan
Trang web lấy số khám bệnh của Viện Tim TP.HCM bị tấn công như thế nào?
Trang web lấy số khám bệnh của Viện Tim TP.HCM có số lượng người truy cập tăng bất thường, lên đến hàng triệu lượt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
14 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: F0 liên tục tăng, ngành y tế và giáo dục lập tức họp giao ban mỗi ngày