Theo chương trình bình ổn thị trường mà các doanh nghiệp đã đăng ký, từ nay đến hết tháng 3, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các hệ thống phân phối hiện đại sẽ bình ổn, không tăng.

TP.HCM: Giá hàng hóa, thực phẩm thiết yếu sẽ không tăng đến hết tháng 3

Hồ Quang | 14/03/2022, 20:20

Theo chương trình bình ổn thị trường mà các doanh nghiệp đã đăng ký, từ nay đến hết tháng 3, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các hệ thống phân phối hiện đại sẽ bình ổn, không tăng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã khẳng định như thế vào chiều 14.3 về tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng và xăng dầu hiện nay.

Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn so với thế giới

Liên quan đến tình hình xăng dầu, ông Nguyễn Nguyên Phương nói ngay từ đầu năm 2022, TP đã dự báo giá xăng dầu sẽ tăng. Các nhà chuyên môn cho rằng sẽ tăng vượt mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, việc xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến giá xăng dầu tăng lên đến gần 140 USD/thùng, vượt xa dự báo.

tphcm-tu-nay-den-het-thang-3-2022-gia-thuc-pham-thiet-yeu-se-khong-tang-hinh-anh(1).png
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ với báo chí vào chiều 14.3 - Ảnh: PV

Trong nước, nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) trong thời gian qua bị cắt giảm công suất rất nhiều, nhưng đến nay đã được khôi phục, đạt trên 85%. Theo dự kiến, cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ trở lại hoạt động với công suất 100%.

Tuy nhiên, để đảm bảo cung ứng xăng dầu, Bộ Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu. Qua lượng cung ứng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã cho phép 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu với số lượng lên đến hàng triệu tấn.

“Với kế hoạch trên, về cơ bản lượng xăng dầu đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Việc thiếu xăng dầu cục bộ là phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận cung ứng của các nhà phân phối, nhưng với những đơn vị hiện có, việc dự trữ và cung ứng xăng dầu hoàn đảm bảo đảm”, ông Phương nhấn mạnh.

Trên địa bàn TP.HCM, Sở Công Thương cũng đã làm việc với Sở Giao thông vận tải để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu. Điều này giải quyết được trình trạng khó khăn tại một số cửa hàng kinh doanh khi có quá nhiều người dân tập trung mua dự trữ mà xe bồn chở xăng không được lưu thông trong giờ cao điểm.

Về việc bình ổn giá xăng dầu, ông Phương cho biết trong kỳ điều chỉnh giá vào ngày 11.3 vừa qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để can thiệp. Cụ thể đã chi từ 750 đến 1.000 đồng/lít xăng, dầu hỏa: 300 đồng/lít; dầu Diesel là 500 đồng/lít. Chính vì thế nên dù giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao, giá dầu trong nước liên tục điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thay đổi của thế giới.

Thực phẩm thiết yếu trong các hệ thống phân phối hiện đại không tăng

Liên quan đến việc tăng giá các mặt hàng trong thời gian gần đây do tác động của giá xăng dầu, ông Phương khẳng định các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu tại các hệ thống phân phối hiện đại đều bình ổn, không tăng.

Trong thời gian qua, do tác động của nhiều yếu tố đã làm gia tăng chi phí sản xuất dẫn đến áp lực tăng giá. Tuy nhiên hiện nay tại các cơ sở phân phối hiện đại tương đối ổn định, hàng hóa đều có giá cả thống nhất. Các nhà phân phối cũng đã nhận được nhiều đề xuất tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng đến nay chưa có đề xuất nào được các nhà phân phối xem xét và điều chỉnh.

Hệ thống phân phối hiện đại đang tập trung rà soát kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào, các cơ sở có đề xuất chính xác, hợp lý sẽ có nghiên cứu điều chỉnh.

“Hiện nay TP có chương trình bình ổn thị trường, trong đó bao gồm các mặt hàng lương thực - thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu. Theo chương trình bình ổn thị trường mà các doanh nghiệp đã đăng ký, từ nay đến hết tháng 3, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các hệ thống phân phối hiện đại sẽ bình ổn, không tăng”, ông Phương khẳng định.

Sau 31.3, nếu chi phí đầu vào tăng từ 3% đến 5% có thể có hình thức điều chỉnh giá, nhưng giá của chương trình thường thấp hơn giá các mặt hàng cùng loại trên thị trường từ 5-10% đối với hàng lương thực - thực phẩm. Như vậy sau ngày này, các doanh nghiệp có thể để xuất việc điều chỉnh giá trên cơ sở chứng minh chi phí đầu vào của mình tăng.

Hiện Sở Công Thương và Sở Tài chính cũng đang đưa ra dự kiến tình hình để tham mưu UBND TP có giải pháp hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, với giá cả ổn định lâu dài.

“Trong trường hợp nếu chi phí đầu vào tăng quá cao thì phải tính toán điều chỉnh cho doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho họ”, ông Phương nói.

Riêng đối với giá cả tại các chợ truyền thống phụ thuộc vào lượng hàng cũng như lượng khách mua sắm trong ngày, ông Phương cho biết giá cả ở đây có sự điều chỉnh liên tục trong ngày. Hiện nay giá các mặt hàng tươi sống, đặc biệt rau củ quả có dấu hiệu gia tăng tại các chợ truyền thống. Điều này là do chi phí vận tải, chi phí xăng dầu phục vụ sản xuất các sản phẩm này tăng cao.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dịp lễ 30.4
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 năm nay kéo dài 5 ngày nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Giá hàng hóa, thực phẩm thiết yếu sẽ không tăng đến hết tháng 3