Từ sáng sớm, nhiều siêu thị trên địa bàn TP.HCM ghi nhận lượng khách hàng mua sắm tăng cao. Một số nơi đã xảy ra tình trạng “cháy hàng” cục bộ, dù giá thực phẩm tăng cao.
Giá thực phẩm tăng gấp 3
Sáng 8.7, sau quyết định chính thức về việc thực hiện giãn cách xã hội ở TP.HCM theo chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9.7, rất đông người dân đã đổ xô đến các chợ và siêu thị trên địa bàn TP.HCM để mua lương thực, thực phẩm tích trữ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người, ngay từ sáng sớm, rất nhiều quầy thịt bò, thịt heo, rau củ, thực phẩm tươi sống… tại nhiều chợ truyền thống và siêu thị đã “cháy hàng”. Tính đến 9 giờ, nhiều quầy hàng tại các siêu thị như rau xanh, thịt cá, mì gói… hầu như đã trống trơn, nên nhân viên siêu thị phải châm hàng liên tục.
Việc lượng người mua hàng tăng đột biến cũng khiến nhiều tiểu thương tại các chợ lợi dụng để tăng giá thực phẩm. Nhiều cửa hàng thịt, rau đã tăng giá gấp đôi, thậm chí có nơi tăng giá gấp 3. Điển hình, tại chợ Gò Vấp, giá bí xanh những ngày trước chỉ có giá 30.000 đồng/kg thì nay tăng lên 60.000 đồng; rau má từ 50.000 đồng nay cũng tăng lên gấp đôi; nấm rơm tăng 3 lần lên 180.000 đồng một kg. Các loại rau xanh như cải, mồng tơi, rau muống… cũng tăng giá gấp đôi.
Trong khi đó, sườn non, ba rọi rút xương từ mức 170.000 đồng thì nay tăng lên mức 250.000 đồng/kg; nạc vai từ 180.000 đồng/kg tăng lên 200.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 250.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg...
Lý giải cho việc tăng giá này, nhiều tiểu thương nói rằng do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, việc vận chuyển thịt, cá tươi sống trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, giá thực phẩm bị đẩy lên cao. Mặc dù giá thực phẩm bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so những ngày trước đó, nhưng người dân vẫn giành nhau mua.
Đáng chú ý, việc “cháy hàng” thực phẩm không chỉ xảy ra ở các chợ và siêu thị, mà trên các kênh online, nhiều người tiêu dùng TP.HCM cho biết việc đặt mua thực phẩm cũng rất khó khăn. Trên các ứng dụng đi chợ hộ, nhiều người dùng phản ánh tình trạng đang chọn hàng hóa hoặc tiến hành thanh toán thì bị báo lỗi. Khi họ mở lại ứng dụng, một số món hàng đã hết hoặc thay đổi giá bán. Còn trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… nhiều mặt hàng rau củ, thịt, cá tươi sống cũng đã hết hàng.
Tương tự, việc mua hàng online từ các siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh... và các website của các nhãn hàng cũng đang gặp khó do các siêu thị đã quá tải.
Giám đốc Sở Công Thương: “Không lo thiếu hàng hóa, thực phẩm”
Trước tình trạng người dân mua hàng dồn dập, tụ tập đông người tại các điểm bán hàng, trong cuộc họp chiều 7.7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
TP.HCM đã tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.
Ngoài ra, TP.HCM cũng phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương.
Trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM cũng sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
Hiện tại, TP.HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Song song đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên...
Nhiều siêu thị cũng khẳng định trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối tại TP.HCM ngưng hoạt động, hệ thống vẫn đang làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, duy trì ổn định lượng hàng cũng như giá cả.
Vì vậy, nỗi lo thiếu hụt thực phẩm của người dân là không cần thiết. Điều chúng ta thật sự cần quan tâm ngay lúc này chính là bảo vệ thật tốt sức khỏe của bản thân và gia đình trước sự hoành hành của dịch bệnh, bằng cách tuân thủ nghiêm chỉ thị giãn cách của thành phố, nếu bắt buộc phải ra ngoài đường cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế.