TP.HCM chính thức kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16, kể từ ngày 16.9, với mong muốn kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 9.

TP.HCM: Hai tuần giãn cách mới có gì mới?

Theo TNO | 15/09/2021, 07:25

TP.HCM chính thức kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16, kể từ ngày 16.9, với mong muốn kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 9.

Tuy nhiên, đợt giãn cách này sẽ có một số điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.

Hồi đầu tháng 8.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86, trong đó đặt ra yêu cầu đến ngày 15.9, TP.HCM phải kiểm soát được dịch bệnh, một số tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1.9. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên hầu hết các tỉnh thành đều không thể kiểm soát như mục tiêu đề ra.

Tính đến hôm nay (15.9), TP.HCM mới chỉ có Q.7, H.Củ Chi và H.Cần Giờ công bố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, còn lại vẫn đang thẩm định và đánh giá theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế.

Phân cấp cho quận huyện nới lỏng giãn cách

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM mở rộng chiều qua (14.9), ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết sau gần 3 tuần siết chặt (từ 23.8 - 15.9), TP.HCM đã đạt những kết quả quan trọng: xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, tập trung điều trị bệnh nhân, kéo giảm tử vong, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin…

Qua đối chiếu với các tiêu chí trong Quyết định 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch bệnh, ông Nên cho biết nhìn chung các địa bàn chưa đạt và có thể chia làm 3 nhóm: nhóm 1 là những địa phương cơ bản đạt tiêu chí đề ra, nhóm 2 là gần đạt tiêu chí đề ra, và nhóm 3 là các địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu thêm một thời gian nữa.

“Vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay, thực hiện giãn cách trong giai đoạn tới có giống như giai đoạn đầu hay thực hiện ở mức độ nào”, ông Nên đặt vấn đề. Ông Nên cũng cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất cho TP tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa để phấn đấu kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 9.

Bên cạnh việc tiếp tục giãn cách trên phạm vi rộng, những địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan, nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn. Một quan điểm chống dịch mới được thảo luận tại hội nghị là phân cấp cho quận, huyện quyết định nới lỏng giãn cách theo thẩm quyền, có trách nhiệm rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình hình trên địa bàn, vẽ lại bản đồ Covid-19, bản đồ vắc xin Covid-19, bản đồ an sinh xã hội…

3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

Hội nghị đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế gồm: giai đoạn 1 từ ngày 1 - 31.10, giai đoạn 2 từ ngày 1.11 - 15.1.2022 và giai đoạn 3 từ 15.1.2022 trở đi.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TP.HCM sớm ban hành các chính sách đối với doanh nghiệp để phục hồi kinh tế, thu hút nguồn lực xã hội, rà soát chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 phù hợp với tình hình.

Do dịch bệnh các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là các tỉnh lân cận vẫn hết sức phức tạp nên mọi quyết định cho hướng đi, phương pháp thực hiện của TP đều khó khăn. Vì thế, trong từng quyết định đều phải lưu ý và hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Ông Nên cho biết khi tình hình đã cơ bản kiểm soát được, nguy cơ đã giảm dần thì việc từng bước mở cửa nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết. “Phương châm của TP.HCM là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan, nôn nóng, mà thực hiện từng bước chắc chắn”, ông Nên nói.

Trong 14 chiến lược đang được chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới” như y tế, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, huy động nguồn lực, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe tinh thần... thì chiến lược về y tế giữ vai trò trung tâm, trong đó cần khẩn trương củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Ông Nên cho biết việc cứu người là việc hết sức cấp bách nên cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các trung tâm hồi sức, bệnh viện tầng 2 - 3.

Ngoài ra, cần quan tâm chăm sóc những người mắc các bệnh thông thường, mãn tính vì những bệnh nhân này cũng đã “đồng cam cộng khổ” với TP trong thời gian giãn cách. Các nhà thuốc, bệnh viện, trạm y tế, bác sĩ tư chăm sóc cho các bệnh nhân này cũng cần mở cửa nhanh nhất có thể.

“Nơi nào mở, mở như thế nào đều cần chủ động thông báo đầy đủ cho người dân. Đơn cử như ai được ra công viên, mấy người... đều phải có quy định rõ ràng và thông tin cho người dân”, ông Nên đề nghị.

Hiện một số quận huyện, xã phường còn đặt nặng ranh giới hành chính với nhau. Do vậy, các địa phương cần bàn bạc, thống nhất, chia sẻ và thực hiện cho đồng bộ, đảm bảo sự công bằng và đều tính pháp lý để người dân thực hiện.

Dùng thẻ xanh quản lý việc mở cửa

Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021) bùng phát, TP.HCM đã trải qua 3 đợt giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ. Điểm khác biệt cơ bản giữa đợt giãn cách 2 tuần tới của TP.HCM với 3 đợt trước là một số địa bàn kiểm soát dịch bệnh được thí điểm mở cửa nhiều hoạt động xã hội, người dân (có thẻ xanh Covid) đi lại thoải mái, được đi chợ, siêu thị…

Các cơ sở ăn uống có cơ hội mở rộng thị trường khi shipper được di chuyển liên quận từ ngày 16.9. Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) và Khu công nghệ cao cũng sẽ hoạt động trở lại để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng… Khi giãn cách kéo dài, công tác an sinh xã hội được TP.HCM đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều phương án hỗ trợ người dân.

Tại hội nghị chiều qua, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang đẩy nhanh chuẩn bị cho gói hỗ trợ thứ 3 (tính theo đầu người, hỗ trợ 2 tháng 9 - 10.2021), dự kiến giải ngân trong tháng 9. Các đối tượng được hưởng gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn do mất việc làm, người phụ thuộc...; không phân biệt hộ khẩu thường trú, tạm trú hay di trú.

Ước tính, TP sẽ hỗ trợ cho khoảng 7,6 triệu người, một con số kỷ lục khi so với tổng dân số TP được thống kê hồi tháng 4.2019 là khoảng 9 triệu người.

Giải pháp cấp thẻ xanh Covid cho F0 cách ly tại nhà

Ngày 14.9, trao đổi với PV Thanh Niên về giải pháp cấp thẻ xanh Covid cho F0 cách ly tại nhà nhưng không có chứng nhận, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện TP vẫn chưa quyết định phương án nào. TP đang xin ý kiến để có cách làm phù hợp.

Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề trên, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho rằng người dân nên tự nguyện khai báo, và ngành y tế sẽ giúp có giấy chứng nhận bằng lấy máu xét nghiệm nhanh kháng thể để xác định đã nhiễm hay chưa nhiễm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là giải pháp mở cửa cấp chứng nhận thẻ xanh Covid cho những F0 cách ly tại nhà khỏi bệnh cần thiết đi ra ngoài đi làm việc, tham gia vào khối sản xuất, dịch vụ… và họ phải khai báo đúng. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ cho TP.HCM 10.000 test nhanh kháng thể.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến ngày 13.9, số trường hợp F0 đang cách ly tại nhà là 99.402 người. Trong đó có 64.460 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 25.386 người. 

(Theo Duy Tính/TNO)

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
một giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hai tuần giãn cách mới có gì mới?