Trong tuần qua, TP.HCM xuất hiện nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

TP.HCM: Hàng loạt trẻ sốt xuất huyết bị suy hô hấp, nguy kịch

Hồ Quang | 18/07/2022, 17:20

Trong tuần qua, TP.HCM xuất hiện nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết ở TP.HCM như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng và nguy kịch đang gia tăng. Nhiều trường hợp bị biến chứng tổn thương gan, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu.

tphcm-hang-loat-tre-sot-xuat-huyet-suy-ho-hap-suy-da-co-quan-nguy-kich-hinh-anh(1).png
Một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết bị nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố - Ảnh: PV 

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện tại đây liên tục tăng. Hiện bệnh viện này điều trị khoảng 120 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp nặng và nguy kịch. Nhiều trường hợp bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

“Hiện có 2 cháu nguy kịch phải thở máy và 1 trường hợp phải lọc máu liên tục. Các bác sĩ đang rất nỗ lực chạy đua với thời gian để cứu sống những trường hợp trên”, bác sĩ Hùng thông tin.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, các trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nguy kịch nhập viện gần đây cũng tăng mạnh.

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, hiện bệnh viện điều trị rất nhiều trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

Điển hình là trường hợp bé trai M.K (14 tuổi, quê Vĩnh Long) bị béo phì, cân nặng đến 72kg nhập viện trong tình trạng khó thở, thở co kéo 42 lần/phút. Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4 tái sốc, sốc kéo dài, tổn thương gan, suy hô hấp, dư cân, béo phì, được điều trị tiếp tục truyền dịch chống sốc dưới hướng dẫn của áp lực trung tâm (CVP), huyết áp động mạch xâm lấn, hỗ trợ thở oxy, thở áp lực dương liên tục (CPAP) sau đó đặt nội khí quản giúp thở, đo áp lực bàng quang, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, điều trị hỗ trợ gan. Tình trạng suy hô hấp do tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, áp lực bàng quang tăng lên đến 47cm H2O được chọc dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp.

Trường hợp khác nữa của 2 bé trai cùng 11 tuổi là P.H.S.T (quê Bến Tre) cân nặng 53kg và bé X.Q.B (quê Long An), cân nặng 55kg đều bị béo phì. Cả 2 bệnh nhi này đều sốc vào ngày 5 của bệnh và diễn tiến thành sốc kéo dài, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan.

“Đây là các trường hợp được áp dụng truyền cao phân tử và albumin giúp cải thiện tình trạng sốc và suy hô hấp ở trẻ sốc sốt xuất huyết”, bác sĩ Tiến nói.

Cũng theo bác sĩ Tiến, không chỉ có trường hợp trẻ sốt xuất huyết bị béo phì, mắc bệnh nền mới nguy kịch mà cả những trẻ không có bệnh nền cũng rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Bé trai N.K.B.M (5 tuổi, ngụ ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cân nặng 20kg, sau 4 ngày sốt, bệnh nhi bị sốc phải nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu. Sau khi truyền dịch chống sốc theo phác đồ, các bác sĩ ở đây đã chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan.

Qua các trường hợp bị sốt xuất huyết nguy kịch trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo cần phải tích cực diệt muỗi, lăng quăng, cho trẻ ngủ mùng phòng ngừa muỗi đốt và theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa trẻ bị sốt xuất huyết đến cơ sở y tế kịp thời.

“Khi thấy trẻ sốt cao quá 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu như: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện”, bác sĩ Tiến lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hàng loạt trẻ sốt xuất huyết bị suy hô hấp, nguy kịch