Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây dựng các bãi đậu xe ngầm thì phải xét tới quy hoạch chung với không gian ngầm. Đã xác định quy hoạch thì trên cơ sở đó mà quản lý. Nếu không làm quy hoạch cho chặt chẽ, chúng ta sẽ phải trả giá.

TP.HCM: Không được đỗ xe trên vỉa hè thì đỗ ở lòng đường hay xuống hầm?

Phan Diệu | 23/03/2017, 06:47

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây dựng các bãi đậu xe ngầm thì phải xét tới quy hoạch chung với không gian ngầm. Đã xác định quy hoạch thì trên cơ sở đó mà quản lý. Nếu không làm quy hoạch cho chặt chẽ, chúng ta sẽ phải trả giá.

Ngày 22.3, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về giải quyết các vướng mắc trong việc xây dựng các bãi xe ngầm và bãi giữ xe thông minh.

Nhà đầu tư không mặn mà

Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT), đến thời điểm nàykhu trung tâm TP có 4 dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm, trong đó 2 bãiđậu xe đã xác định được chủ đầu tư, đang chuẩn bị thực hiện các thủ tục để triển khai dự án và 2 dự án đang được nhà đầu tư lập báo cáo. Dự kiến khi đưa vào khai thác, các bãi giữ xe này sẽ đáp ứng được trên 6.000 xe ô tô và 3.000 xe máy.

Đặc biệt, đối với bãi đậu xe Lê Văn Tám, TP đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư với tổng vốn là 1.748 tỉ đồng. Dự án này đang trong giai đoạn xin giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10.2017.

Tuy nhiên, bãi đậu xe này đang vướng mắc ở chỗ chủ đầu tư không có khả năng xây dựng cũng như không có phương án các phương án hoàn vốn. Sở GTVT cho biết cơ quan này đã tạo rất nhiều điều kiện, tìm kiếm liên doanh và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đề xuất các phương án bổ sung, thế nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ phía nhà đầu tư.

Nói đến đây, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng Sở GTVT cần phải quyết liệt hơn nữa, cần cho chủ đầu tư một mốc thời gian cụ thể và đề nghị phải giải quyết dứt khoát.

Ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng nói rằng Sở GTVT cho nhà đầu tư này 2 tuần đểcó vướng mắc gì thì báo cáo, hoặc không thực hiện được thì xin thôi để TP tìm nhà đầu tư khác, chứ không thể tình trạng này kéo dài được.

“Chúng ta có đánh giá được hiệu quả của bãi đậu xe ngầm hay không? Nếu đầu tư một bãi đậu xe ngầm thì khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp như thế nào? Sở GTVT cần nghiên cứu tính hiệu quả khi lấp đầy 100%. Chúng ta cần công bằng với tất cả nhà đầu tư, nếu không hiệu quả thì cần hỗ trợ nhà đầu tư chứ không loay hoay mãi không ra”, ông Khoa nói.

Đề xuất về cơ chế, Giám đốc Sở GTVT nói rằng TP nên có một đầu mối chỉ huy để giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư các bãi đậu xe ngầm, có như vậy việc triển khai xây dựng mới nhanh chứ hiện nay nhiều đầu mối quá mà cứ gửi qua gửi lại rất mất thời gian.

Ông Nguyễn Thành Phong và ông Lê Văn Khoa tại cuộc họp - Ảnh: P.D

Nghiên cứu công nghệ đậu xe dưới lòng đường

Cũng trong cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường đề xuất cho Sở GTVT nghiên cứu công nghệ đậu xe trên lòng đường ở một số tuyến đường, vấn đề là quản lý làm sao cho hiệu quả. Theo ông, nhiều tuyến đường trên TP vẫn có thể đậu xe được như Mai Chí Thọ chẳng hạn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng đậu xe ở lòng đường phải quy định cụ thể, bởi cái này tác động lớn tới ùn tắc giao thông.

Ông Phong lấy ví dụ như con đường trước tòa nhà Bitexco, tầm 8 giờ sáng là xe ô tô đậu dày đặc 2 bên đường, phương tiện khác không có chỗ mà đi nên gây ách tắc giao thông rất nghiêm trọng. Hay chỗ đường Thành Thái, ban đầu cho phép đậu xe một bên thì giao thông khu vực này tốt, thời gian sau thì các xe ô tô tự đậu cả 2 bên đường nên gây ùn tắc giao thông cũng nghiêm trọng không kém.

“Chỗ này phải quy hoạch cụ thể. Nếu vượt quá thẩm quyền thì xin ý kiến HĐND TP. Đừng để kéo dài thời gian”, ông Phong chỉ đạo.

Phải xét tới quy hoạch không gian ngầm

Theo ông Lê Văn Khoa, bãi đậu xe ngầm tại TP.HCM đang rất thiếu nên việc phát triển phải thuộc loại ưu tiên nhưng các Sở cần tính toán để khoa học hơn. Hiện tại, TP chưa có quy hoạch không gian ngầm, chỉ mới có ý tưởng. Vì vậy, khi triển khai xây dựng, nếu không tính quy hoạch bãi xe ngầm với không gian ngầm thì rất kẹt. Do đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP (Sở QH-KT) cần vào cuộc, vì bãi xe ngầm là một bộ mặt trong không gian ngầm.

Phó chủ tịch UBND TP cũng đề nghị sở GTVT tận dụng và nghiên cứu các bãi xe ngầm ở các khu thương mại, cao ốc ở trung tâm xem khả năng có sức chứa bao nhiêu để xem xét tích hợp vào ứng dụng trên điện thoại thông minh như chương trình giảm ùn tắc giao thông mà Sở này đang làm.

Ông Khoa cũng giao Sở Xây dựng tính toán việc xây dựng hầm xe các chung cư làm sao không những đủ cho cư dân tại đây mà khách vãng lai có thể gửi được. Sở này nên thành lập tổ công tác phụ trách công việc này cho nhanh, đồng bộ.

Đồng quan điểm với ông Khoa, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý Sở GTVT khi triển khai xây dựng các bãi xe ngầm thì việc triển khai phải nằm trong quy hoạch hệ thống không gian ngầm của TP, Sở GTVT phải kết hợp chặt chẽ với Sở QH-KT.

“Tôi khẳng định tuyệt đối là phải làm quy hoạch cho chặt chẽ. Đã xác định quy hoạch thì trên cơ sở đó mà quản lý. Nếu không làm chặt chẽ, chúng ta sẽ phải trả giá. Cái này phải kiên quyết, bảo đảm nghiêm và hết sức đồng bộ. Việc này tôi đã giao cho Sở QH-KT. Trước đây, chúng ta có triển khai một bước nhưng bây giờ cần rà soát lại. Không gian ngầm là một tài nguyên rất lớn mà TP cần phải khai thác”, ông Phong khẳng định.

Đối với 4 bãi xe ngầm ở trung tâm, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GTVT làm việc với nhà đầu tư xem từng dự án vướng mắc chỗ nào thì kiến nghị nhanh. Sở Xây dựng xem dự án xây bãi đậu xe ngầm ở Sân vận động Trống Đồng có tác động tới tuyến metro số 2 hay không, nếu có thì xin ý kiến cụ thể Bộ GTVT. Còn nhà đầu tư nào thấy khó khăn quá mà không thực hiện được thì mời nhà đầu tư khác.

“Cơ chế chính sách đã có kiến nghị rồi, tôi đề nghị anh Khoa xem xét lại và quyết liệt hơn. Ví dụ như chung cư cũ, chúng ta kiên trì, quyết liệt thì các Bộ sẽ cùng mình xử lý. Cái này cấp bách lắm. Nếu không trong thẩm quyền khó giải quyết”, ông Phong nói.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Không được đỗ xe trên vỉa hè thì đỗ ở lòng đường hay xuống hầm?