Hiện tại, các siêu thị và cửa hàng ở TP.HCM đã bổ sung đầy ắp hàng hóa, người dân không còn tình trạng đổ xô đi mua đồ tích trữ. Nhiều doanh nghiệp cam kết đủ thực phẩm, hàng hóa và không tăng giá trong thời gian dài.

TP.HCM: Không lo thực phẩm thiếu hay bị tăng giá

11/03/2020, 21:37

Hiện tại, các siêu thị và cửa hàng ở TP.HCM đã bổ sung đầy ắp hàng hóa, người dân không còn tình trạng đổ xô đi mua đồ tích trữ. Nhiều doanh nghiệp cam kết đủ thực phẩm, hàng hóa và không tăng giá trong thời gian dài.

TP.HCM đủ thực phẩm cho người dân trong thời gian dài - Ảnh: Phan Diệu

Trước những diễn biến mới nhất của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cuối tuần trước, nhiều người dân ở TP.HCM đã đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ khiến nhiều siêu thị luôn trong tình trạng kẹt cứng người. Ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, số lượng khách đến mua hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày bình thường. Loại hàng được mua nhiều nhất là gạo, mì ăn liền, thịt, cá đóng hộp, đường, đậu, nước đóng chai…

Tuy nhiên, từ đầu tuần nay, các siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM đã bổ sung đầy ắp hàng hóa, người dân không còn tình trạng đổ xô đi mua đồ tích trữ. Nguyên nhân là do nhiều người đã bớt tâm lý lo lắng, bất an. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với tình huống thị trường khi dịch bệnh lan rộng.

Nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP.HCM đã đưa ra cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường trong thời gian dài và không điều chỉnh giá trong vài tháng tới.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP.HCM diễn ra mới đây, các đơn vị phân phối lớn như: Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market cho biết đang tăng dự trữ hàng hóa, xây dựng kịch bản dự trữ hàng, tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch đơn hàng, cùng với đó là linh hoạt tăng thời gian mở cửa bán hàng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chủ lực của thành phố cũng thông tin đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu đủ để sản xuất, cung ứng cho thị trường trong thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM lưu ý các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất không nên chủ quan với sức mua của người dân. Song song đó là doanh nghiệp cần phải thường xuyên nắm tình hình, dự trữ đầy hàng trong kho để sẵn sàng cung ứng ra thị trường trong những tình huống cấp bách.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, các đơn vị Quản lý thị trường đang tập trung kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, thịt, mỳ gói, dầu ăn… và tuyên truyền để người dân không hoang mang, ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Các lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thành sẽ tăng cường các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mọi diễn biến phức tạp của dịch bệnh; kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế, mặt hàng khẩu trang để phòng bệnh dịch tăng mạnh. Do vậy, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm. Đặc biệt, cơ quan này nghiêm cấm đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao và thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến cơ sở kinh doanh và người dân hiểu để chấp hành.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Không lo thực phẩm thiếu hay bị tăng giá