Thời gian gần đây, “cò” khám chữa bệnh bùng phát trở lại tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gây nhức nhối cho ngành y tế, và thách thức cả lực lượng an ninh.

TP.HCM lập 3 đoàn kiểm tra dẹp nạn 'cò' khám chữa bệnh

Hồ Quang | 08/02/2023, 12:13

Thời gian gần đây, “cò” khám chữa bệnh bùng phát trở lại tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gây nhức nhối cho ngành y tế, và thách thức cả lực lượng an ninh.

Ngày 8.2, Sở Y tế TP.HCM cho hay đã thành lập 3 đoàn kiểm tra các phòng khám tư nhân ở xung quanh khu vực có hiện tượng “cò” khám chữa bệnh.

tphcm-lap-3-doan-kiem-tra-dep-nan-co-kham-chua-benh-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Ưng Bướu cơ sở 1 - nơi thường xuyên xuất hiện tình trạng "cò" khám chữa bệnh - Ảnh: PV

Trong ngày làm việc đầu tiên hôm 7.2, đoàn đã kiểm tra 5 phòng khám, trong đó có 1 phòng khám đa khoa và 4 phòng khám chuyên khoa.

Kết quả cho thấy, 1 phòng khám có dấu hiệu hoạt động của “cò” dẫn dụ người bệnh đến khám chữa bệnh, đó là phòng khám chuyên khoa Nội (gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1) trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Các phòng khám còn lại chưa phát hiện có dấu hiệu “cò” khám bệnh nhưng theo Sở Y tế những nơi này đều có các sai phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám, chữa bệnh.

Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với “cò”.

Trước đó, các phương tiện truyền thông cũng liên tục thông tin về tình trạng “cò” khám bệnh xảy ra tại một số nơi tại TP.HCM như: Bệnh viện Mắt, Phòng khám Medic, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1…

Theo Sở Y tế, hiện nay số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn TP đang phục hồi, và tăng nhanh trở lại sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định. Khi số lượt khám tăng cao cũng chính là thời điểm nạn “cò” lại tái diễn.

Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát, củng cố hoạt động đội bảo vệ của cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người, nhất là khu vực đăng ký khám bệnh; yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để người bệnh cảnh giác với nạn “cò”; đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng “cò” ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện.

Sở Y tế cũng đã kiến nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với tệ nạn “cò” bệnh viện.

Về lâu dài, Sở Y tế cho biết, ngành y tế TP hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến trước (bao gồm các bệnh viện quận, huyện của TP, các bệnh viện tỉnh, thành khu vực phía Nam); tiếp tục tham mưu lãnh đạo TP ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là tăng cường huy động nguồn lực tư nhân tham gia mở thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mới, trong đó nghiên cứu cơ chế phối hợp công – tư với mô hình “chuỗi bệnh viện”, “chuỗi phòng khám” của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối - vốn luôn quá tải và là nơi “cò” lợi dụng để hoạt động.

Bài liên quan
TP.HCM: Vi phạm về đấu thầu, nhiều công ty bị xử phạt
Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), UBND TP.HCM đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu trên địa bàn trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM lập 3 đoàn kiểm tra dẹp nạn 'cò' khám chữa bệnh