Nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ gây biến động về giá, TP.HCM đã lên kế hoạch ứng phó khi dịch COVID-19 lan rộng. Trong tình huống xấu nhất, TP.HCM sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và lương thực thiết yếu.

TP.HCM lên giải pháp cung ứng thực phẩm, ứng phó dịch COVID-19

12/03/2020, 14:59

Nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ gây biến động về giá, TP.HCM đã lên kế hoạch ứng phó khi dịch COVID-19 lan rộng. Trong tình huống xấu nhất, TP.HCM sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và lương thực thiết yếu.

Người dân TP.HCM chen chúc mua sắm tại siêu thị khi xuất hiện tin có người nhiễm COVID-19 mới - Ảnh: Phan Diệu

Sở Công Thương TP.HCM vừa có đề nghị UBND các quận huyện theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn để ứng phó dịch COVID-19.

Theo đó, Sở yêu cầu quận huyện kịp thời phản ánh, thông tin và phối hợp xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến trên địa bàn quận huyện trong giai đoạn phòng chống dịch.

Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi như đầu cơ, găm hàng, nâng giá… tại các chợ truyền thống và cửa hàng bách hóa trên địa bàn.

Ban Quản lý các chợ truyền thống được giao tăng cường công tác theo dõi, quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; kịp thời thông tin cho UBND quận huyện khi có biến động giá cả tại chợ; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác bình ổn thị trường.

Các thương nhân cũng được vận động để cam kết không găm hàng hóa, nâng giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn phòng chống dịch.

Bên cạnh chỉ đạo trên, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã lên kế hoạch cho 3 tình huống ứng phó dịch COVID-19. Trong tình huống xấu nhất, Sở sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và lương thực thiết yếu.

Ở tình huống 1, khi TP.HCM có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới, Sở dự báo người dân sẽ có xu hướng thu gom, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm khiến thị trường khan hiếm cục bộ một số thời điểm. Đặc biệt, một số đối tượng có thể lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt rồi nâng giá bán sản phẩm để trục lợi.

Trong trường hợp này, Sở bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Đồng thời, Sở phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Cơ quan này phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông cùng UBND 24 quận huyện không để phát tán tin đồn thất thiệt. Để bình ổn thị trường, Sở sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% ngày thường để sẵn sàng cung ứng. Khả năng cung ứng nguyên vật liệu cũng sẽ được nâng lên 50-100% khi cần thiết và tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử.

Tình huống 2, trong trường hợp thành phố chính thức có thêm ca nhiễm mới khiến người dân tăng cường tích trữ gây thiếu hụt hàng hóa, Sở tiếp tục duy trì các phương án tại tình huống 1. Tuy nhiên, Sở Công Thương sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP.HCM quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Cạnh đó, nguồn cung hàng hóa cũng được nâng lên 50-100% so với ngày thường. Số lượng hàng hóa bán ra với mỗi người cũng sẽ được giới hạn để tránh thu gom, tích trữ.

Tình huống 3, nếu dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Sở dự đoán nhu cầu của người dân sẽ chuyển sang kênh thương mại điện tử để tránh tụ tập đông người. Vì vậy, bên cạnh duy trì giải pháp 2 tình huống trên, cơ quan này còn triển khai các giải pháp giảm hoặc ngừng hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch. Đồng thời, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM lên giải pháp cung ứng thực phẩm, ứng phó dịch COVID-19