COVID-19 được đánh giá là vẫn còn diễn biến phức tạp. TP.HCM đã lên 3 phương án dịch bệnh COVID-19 tại TP với những mức độ khác nhau nhằm ứng phó trước những tình huống xấu có thể xảy ra.

TP.HCM lên phương án có 500 người mắc COVID-19 và hơn 170 bệnh nhân nặng

Hồ Quang | 22/02/2021, 15:00

COVID-19 được đánh giá là vẫn còn diễn biến phức tạp. TP.HCM đã lên 3 phương án dịch bệnh COVID-19 tại TP với những mức độ khác nhau nhằm ứng phó trước những tình huống xấu có thể xảy ra.

Ngày 22.2, Sở Y tế TP.HCM đã công bố 3 kịch bản ứng phó COVID-19 nhằm ứng phó với tình huống dịch dịch bệnh có thể diễn biến xấu lên đến 500 ca mắc với hơn 170 bệnh nhân nặng phải hồi sức.

tphcm-len-phuong-an-co-500-nguoi-mac-covid-19-va-hon-200-nguoi-benh-nang-hinh-anh(1).png
Khu cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi - Ảnh: PV

Ở tình huống thứ nhất là TP.HCM có dưới 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 như hiện nay kèm tối đa 870 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 32 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Chịu trách nhiệm thu dung, tiếp nhận điều trị người bệnh xác định và nghi nhiễm trong tình huống này là 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (40 giường khoa Nhiễm D), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (30 giường khoa nhiễm). Theo đó, tổng số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 4 bệnh viện này là 970 giường, trong đó có 37 giường đặt trong buồng áp lực âm, 32 giường hồi sức và 42 máy thở.

Tình huống 2 là TP.HCM xác định là có từ 100 đến 200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 1.244 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 86 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận điều trị trong tình huống này là 5 bệnh viện. Ngoài 4 bệnh viện nêu trên với sự huy động tăng thêm công suất giường cách ly điều trị lên mức tối đa có thể, trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ tăng lên mức 400 giường (toàn bệnh viện chuyển sang chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19, ngoại trừ khoa Uốn ván) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tăng lên mức 100 giường (bổ sung thêm 70 giường từ một khoa lâm sàng được chuyển đổi sang chuyên tiếp nhận COVID-19), còn có Bệnh viện Nhi đồng 2 với 44 giường từ khoa Nhiễm ở đây. Tổng số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 5 bệnh viện trong giai đoạn này là 1.444 giường bệnh, trong đó có 59 giường đặt trong buồng áp lực âm, 86 giường hồi sức và 86 máy thở.

Ở tình huống thứ 3 là TP.HCM có từ 200 đến 500 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 2.785 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 172 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.

Với tình huống này, bên cạnh 5 bệnh viện nêu trên, ngành y tế TP.HCM sẽ huy động thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và chuyển đổi công năng 464 giường của tất cả khoa lâm sàng nơi đây để chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

Ngoài ra, khi đã sử dụng hết cơ số giường tại các bệnh viện được phân công, sẽ tiếp tục huy động số giường cách ly tại các khu cách ly của các bệnh viện còn lại (1.350 giường).

Như vậy, tổng cộng số giường có thể huy động phục vụ cho tình huống này là 3.258 giường, trong đó có 82 giường đặt trong buồng áp lực âm, 172 giường hồi sức và 192 máy thở.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến còn rất phức tạp. Do đó, để sẵn sàng ứng phó với hiệu quả cao nhất theo các tình huống kịch bản giả định, các yêu cầu đặt ra với ngành y tế TP là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng nhanh khi có hàng loạt trường hợp mắc COVID-19; huy động nguồn lực sẵn có, đảm bảo phân tuyến thu dung điều trị hợp lý giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được Sở Y tế phân công chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19; các bệnh viện luôn sẵn sàng mở rộng quy mô giường bệnh cho thu dung người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 để cách ly điều trị khi dịch bùng phát theo các tình huống giả định…

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu tất cả bệnh viện nghiêm túc tổ chức rà soát, đánh giá lại mức đạt của các bệnh viện theo “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế; phân công trách nhiệm từng bộ phận, khoa, phòng của bệnh viện trong việc duy trì sự tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, đặc biệt là đảm bảo công tác khai báo y tế điện tử, phân luồng, sàng lọc theo đúng quy định, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP về chỉ định xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và cách ly người bệnh.

Các bệnh viện cần chủ động tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại cho các bác sĩ, điều dưỡng về khai thác yếu tố dịch tễ, khám sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm; cập nhật các phác đồ điều trị liên quan đến SARS-CoV-2 do Bộ Y tế ban hành, nâng cao năng lực về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng; kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức diễn tập các tình huống cần truy vết người có liên quan, người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ, tình huống cần phong tỏa một khoa…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM lên phương án có 500 người mắc COVID-19 và hơn 170 bệnh nhân nặng