Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng lên là cơ hội cho thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng… tiếp cận với người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

TP.HCM: Mối lo về thực phẩm rẻ tiền dịp tết

Hồ Quang | 05/12/2022, 14:21

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng lên là cơ hội cho thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng… tiếp cận với người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tết này người dân sẽ tiết giảm chi tiêu

Năm 2022 cả nước bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm cuối năm nhiều sự cố đã đến với công nhân ở TP.HCM, khi hàng nghìn công nhân bị mất việc, hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ tết sớm.

truong-ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tphc-lo-ngai-tet-nay-nguoi-dan-chon-mua-thuc-pham-re-tien-hinh-anh-1(1).png
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (phải) thị sát mô hình sản xuất rau sạch của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: PV

Điều đó dự báo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ là một cái tết rất khó khăn đối với người dân. Do đó, việc mua sắm tết của dân sẽ rất dè sẻn, thậm chí chấp nhận chọn mua những thực phẩm giá rẻ. Đây là cơ hội cho những thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng… len lỏi vào bữa ăn ngày tết của họ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) TP.HCM, Tết này nguy cơ sử dụng loại thực phẩm đã hết hạn, nhất là các thực phẩm, hàng hóa chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, rượu… là rất cao.

Nhiều thực phẩm sử dụng trong ngày tết được “phù phép”, đóng lại nhãn mác, hạn sử dụng khác để có thể tiếp tục tiêu thụ trở lại. Đây là điều gây khó cho lực lượng thanh tra, kiểm tra.

Bà Lan cho rằng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ là một cái tết cực kỳ khó khăn. Chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch COVID-19, kinh tế đang nhen nhóm phục hồi nhưng lại có nhiều biến động, nhất là mới đây công nhân nhiều nơi bị mất việc, người lao động chưa được tăng lương…

“Trong tình thế như hiện nay, một mặt người dân sẽ phải tiết giảm tiêu thụ trong dịp tết này, mặc khác có thể họ phải chấp nhận chọn mua những thực phẩm rẻ tiền, thực phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc. Như vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn sẽ càng lớn”, bà Lan nhấn mạnh.

Người đứng đầu Ban QLATTP TP.HCM mong muốn người dân có ít dùng ít, nên chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu hẳn hoi nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính mình, để cuộc vui ngày tết thêm trọn vẹn. “Chúng ta mua hàng ở những cơ sở hợp pháp, nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng chính là ủng hộ cho những nơi kinh doanh hợp pháp, ủng hộ thực phẩm sạch”, bà Lan nói.

Ban QLATTP TP.HCM cho biết trong thời gian qua, đơn vị này liên tục lấy mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị… để kiểm tra lượng tồn dư hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, trong các loại rau củ quả. Kết quả cho thấy các mẫu vi phạm đã có khuynh hướng giảm dần theo thời gian.

Đặc biệt, ban đã thực hiện nhiều chuyên đề thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là chuyên đề về trường học. Trong năm 2022, đơn vị đã thực hiện 2.600 lượt thanh-kiểm tra ở tất cả các trường học trên địa bàn tại 2 thời điểm: học kỳ 2 năm học 2021-2022 và học kỳ 1 năm học 2022-2023.

truong-ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tphc-lo-ngai-tet-nay-nguoi-dan-chon-mua-thuc-pham-re-tien-hinh-anh-2.png
Hoạt động chế biến sau thu hoạch của một đơn vị tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" do Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với các địa phương thực hiện - Ảnh: PV

“Đây là giai đoạn vừa kết thúc dịch bệnh, các bếp ăn mới bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian ngưng hoạt động nên chúng tôi muốn “hâm nóng” vấn đề ấy nhằm đề cao cảnh giác. Rất may mắn đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến an toàn thực phẩm tại trường học, nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tình trạng cảnh giác”, bà Lan chia sẻ.

Bài toán cho đầu ra thực phẩm đạt chuẩn

Đề cập đến vấn đề thực phẩm sạch, thực phẩm đạt chuẩn đang gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra, bà Lan thẳng thắn thừa nhận đây là bài toán khó bởi do điều kiện kinh tế của chúng ta cũng như những quy định của pháp luật.

Hiện nay pháp luật chỉ quy định các thực phẩm lưu thông trên thị trường phải có nguồn gốc xuất xứ, chứ chưa quy định thực phẩm lưu thông phải đạt chuẩn như: Chuỗi thực phẩm an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Bên cạnh đó, những thực phẩm đạt chuẩn này vẫn chưa phủ kín hết thị trường.

“Giờ đây chúng ta phải đi từng bước. Hiện chúng tôi đã đề xuất UBND TP yêu cầu căng tin các trường học, các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch... phải sử dụng những thực phẩm đạt chuẩn; đồng thời kêu gọi, khuyến khích người dân, các đơn vị tiêu thụ thực phẩm đạt chuẩn”, bà Lan cho biết.

“Sở dĩ chúng tôi chọn trường học vì giá trị một suất ăn ở đây là không hề rẻ. Các phụ huynh luôn dồn mọi điều kiện tốt nhất cho con em mình. Do đó, không có lý do gì mà bếp ăn ở trường học không sử dụng thực phẩm đạt chuẩn. Các bếp ăn ở khách sạn, khu du lịch, nhất là các khách sạn 5 sao, giá cả cho một bữa ăn rất cao, chúng ta không thể chấp nhận sử dụng thực phẩm rẻ tiền mà phải sử dụng thực phẩm đạt các chuẩn trên. Điều này là để đảm bảo sự công bằng, không thể thu tiền một bữa ăn khá cao mà mua thực phẩm rẻ tiền, thực phẩm chưa đạt chuẩn”, bà Lan nói.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Mối lo về thực phẩm rẻ tiền dịp tết