Ngày 22.2, UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tham dự và chủ trì tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã nêu những kiến nghị, đề xuất cụ thể cho sự phát triển KT-XH của TP trong thời gian tới. Trong đó, Hiệp hội DN Mỹ mong muốn TP tiếp tục cải thiện nâng cao môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các DN để thu hút nguồn đầu tư mới và duy trì, phát triển nguồn đầu tư đang có.
Đồng thời, TP cần đẩy nhanh đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, chú trọng đến nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng; logistics; các hành động thiết yếu để đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch; khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Hiệp hội DN Ý cũng mong TP sẽ sớm cải thiện về môi trường, giao thông, rút ngắn-đơn giản thủ tục hải quan…
Trước những vấn đề Hiệp hội DN nước ngoài đưa ra, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các sở ngành chia sẻ thông tin và sớm cải thiện các vấn đề DN nêu, đặc biệt là phải rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho DN.
TP đang rất tập trung cải thiện môi trường đầu tư, trong đó làm rõ trách nhiệm hành chính của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng công chức. Trong chủ đề năm 2023, TP tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính hiệu quả hơn, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. TP sẽ có quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian thực hiện và sẽ công bố các nội dung này đến cộng đồng DN trong, ngoài nước để cộng đồng DN biết thực hiện, giám sát ý kiến.
TP đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong dài hạn thì kinh phí dành cho giao thông chiếm 50% trong tổng kinh phí ngân sách đầu tư, còn ngắn hạn như năm nay chiếm đến 70%. TP cũng đang đề xuất một số cơ chế các hình thức PPP để có thể thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách. Tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP.HCM. Nếu được Quốc hội thông qua thì TP sẽ đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả hệ thống metro.
TP.HCM cũng tập trung xây dựng thể chế, xin Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, có thể được thông qua tại kỳ họp cuối tháng 5 tới. Trong đó chứa đựng các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, các ngành, lĩnh vực, thu hút các nhà đầu tư, phát triển KH-CN đổi mới sáng tạo…
Đặc biệt, nghị quyết mới nêu cơ chế phân cấp, phân quyền để TP chủ động hơn trong việc giải quyết các thủ tục, để làm sao khơi được hết các tiềm năng, nguồn lực phát triển TP, trong đó TP đánh giá nguồn lực ngoài ngân sách, từ các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.
Về đào tạo nguồn nhân lực, TP sẽ phát huy hệ thống trường cao đẳng, đại học, các trường nghề để tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển và thu hút đầu tư của TP. Trong tiến trình này, TP mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài ở bậc giáo dục phổ thông, đặc biệt giáo dục nghề và đại học để TP tiệm cận được với trình độ nhân lực của quốc tế.
Về chuyển đổi số, TP xác định tập trung chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. TP đặt mục tiêu cuối 2025 thì các hoạt động cơ bản của nền hành chính TP sẽ được diễn ra trên nền tảng số. Khi chuyển đổi số đạt được các kết quả cơ bản thì xây dựng TP thông minh, điều hành TP theo cách thông minh là bước tiến TP sẽ phát huy. Trong lĩnh vực này TP mong muốn được hợp tác với các DN đầu tư nước ngoài tại TP vừa góp ý kinh nghiệm cách làm, vừa trực tiếp tham gia vào các dự án cụ thể.
Về cải thiện môi trường sống gồm y tế, vệ sinh môi trường, TP cũng đang tập trung thực hiện. Cải thiện môi trường sống tốt là việc rất quan trọng chứ không phải chỉ làm kinh tế tạo ra ngân sách.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng DN trong nước và nước ngoài cho mục tiêu mà TP đã đạt được trong năm 2022. TP luôn mong muốn lắng nghe đóng góp của DN cho sự phát triển của TP.