TP.HCM đang thực hiện chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị với các hoạt động di dời nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư hư hỏng nặng. Để thực hiện chương trình này, TP.HCM đã kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư.

TP.HCM muốn Nhật Bản tham gia đầu tư vào chỉnh trang đô thị

Phan Diệu | 05/03/2018, 17:43

TP.HCM đang thực hiện chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị với các hoạt động di dời nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư hư hỏng nặng. Để thực hiện chương trình này, TP.HCM đã kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) đã tổ chức hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị. Tại hội nghị, hơn 190 dự án đã được giới thiệu để mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào chỉnh trang và phát triển đô thị.

Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, năm 2017, Nhật Bản đã thay thế Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào TP.HCM và vào thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Mitsui, Maeda...

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Idemitsu Kosan đã hợp tác đầu tư khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, trong khoảng 5 năm gần đây, một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Các dự án này cũng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, như Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex; Hankyu, Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; ACA với Sơn Kim Land; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát; Creed Group với Công ty An Gia, Công ty Năm Bảy Bảy. Tiềm năng hợp tác đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản và Việt Nam rất lớn trong thời gian tới đây.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA tại hội thảo - Ảnh: Phan Diệu

Trong khi đó, ông Shinichi Sakaki – Bộ đất đai và Hạ tầng giao thông du lịch Nhật Bản cho rằng, năm 1980, Nhật Bản đã có kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị. Việc này đã giúp cho Nhật Bản tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể từ chính sách thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác công tư(PPP).

Sau khi chỉnh trang, cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể, được sử dụng những tiện ích hiện đại từ việc chỉnh trang đô thị. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn TP.HCM có nhiều ưu đãi để có thể hợp tác đầu tư, góp phần đưađô thị của TP.HCM ngày một đẹp hơn.

Đồng quan điểm, ông Yoshimura - đại diện J-CODE thông tin, năm 1890, Chính phủ Nhật Bản giao cho cơ quan này dự án chỉnh trang khu đô thị Marunouchi. Sau khi được chỉnh trang, khu đô thị này đã được nâng tầm và phát triển một cách nhanh chóng.

Do đó, việc TP.HCM thực hiện chỉnh trang đô thị để phát triển, nâng cao cuộc sống người dân là hết sức cần thiết. Do đó, Nhật Bản cũng kỳ vọng TP.HCM có những chính sách phù hợp để khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào phương thức đầu tư PPP.

Kêu gọi nhà đầu tư chỉnh trang đô thị

Theo ông Lê Trần Kiên - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện tổ chức di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, TP.HCM đã bồi thường, di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh.

Tuy nhiên, qua khảo sát, trên địa bàn thành phố hiện nay còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải tiếp tục được di dời trong thời gian tới. Nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu tập trung tại quận 8 (9.806 căn), quận 7 (1.730 căn), quận 4 (1.630 căn); quận 5 và 6 (883 căn)…

“Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước ở các nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống đô thị. Thực trạng này cũng chưa tương xứng với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt như TP.HCM”, ông Kiên nói.

Do đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất công tác giải tỏa, di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch và tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, thực hiện chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch.

TP.HCM còn hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch - Ảnh: Phan Diệu

Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã phân loại 3 nhóm dự án bao gồm: nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỉ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỉ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công ty PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỉ đồng).

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói rằng, thành phố sẽ tổ chức công bố dự án, mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện chỉnh trang đô thị. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM muốn Nhật Bản tham gia đầu tư vào chỉnh trang đô thị