Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản, việc ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản và thắt chặt việc quản lý đất công có thể khiến nguồn cung dự án ra thị trường giảm đi, nhưng lại là một tín hiệu tốt cho thị trường.
Tín hiệu tốt
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có yêu cầu các ngân hàng hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, để chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra các ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Cương Quyết -Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đánh giá rằng động thái siết tín dụng của NHNN là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản hơn là xấu.
Theo ông Quyết, khi đócác ngân hàng sẽ đánh giá kỹnăng lực của các dự án, chủ đầu tư bất động sản, kỹlưỡng hơn trong việc cho vay. Do đó, những người yếu về tài chính sẽ khó vay được vốn.
Ông Quyết cũng cho rằng việc này cũng không tạo ra nguồn cung quá nhiều và sẽ giữ thị trường được ổn định. Trong khi đó, việc siết tín dụng sẽ không nhằm vào người dân, vào khách hàng mua nhà. Người mua nhà khi mua nhà chi cần 30% vốn thì vẫn được ngân hàng cho vay.
“Trong mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp đang phân hóa và chuyên nghiệp dần. Những doanh nghiệp có năng lực tài chính, thương hiệu mạnh thì sẽ phát triển được. Những người yếu thì sẽ rất khó phát triển. Điều này cũng là sự thanh lọc bình thường của thị trường”, ông Quyết cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lànhcho hayvì siết tín dụng mà doanh nghiệp hiện nay rất khó vay được vốn từ ngân hàng nếu chưa đủ thủ tục pháp lý. Ngân hàng cũng đang rà soát lại để hạn chế việc đầu tư bất động sản quá nhiều, tránh gây bong bóng như các đây 10 năm…
Việc siết tín dụng cũng tạo nên thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tìm vốn. Để thay thế cho nguồn vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp tìm đến các nguồn vốn khác như từ người dân, từ M&A, phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Các doanh nghiệp cần làm gì?
Theo ông Vũ Cương Quyết, doanh nghiệp phải tính thêm nhiều con đường huy động vốn khác nhau, tùy từng năng lực của chủ đầu tư.“Nếu năng lực yếu thì phải liệu cơm gắp mắm, đừng làm quá nhiều dự án cùng lúc. Nếu yếu hơn nữa thì có thể cân nhắc bán dự án cho các doanh nghiệp khỏe hơn để thu tiền về phục vụ cho mục đích khác”, ông Quyết nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Quỳnh nóitheo lộ trình thìnăm 2018 là 45%, 2019 là 40%, hiện naylà 50% tỷ lệ vốn cho bất động sản.Con số là lớn nhưng bất động sản lồng trong đó hàng trăm danh mục vật liệu khác, vì vậy nhìn chung thị trường có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Tuy nhiên những dự án phải vay từ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.Những dự án này phải tìm nguồn vốn khác như huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ phát hoặc liên danh liên kết... để cung cấp đủ nguồn vốn cho dự án triển khai.
Trước bối cảnh này, HoREA cũng có ý khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chuẩn bị được quỹ đất, chú trọng chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích khách hàng... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Đồng thời cần nghiên cứu để có thể sớm đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện chứng khoán hóa bất động sản.
HoREA cho rằngviệc giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp và thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Lo ngại quản lý chặt việc chuyển nhượng đất công làm nguồn cung bất động sản giảm
Cũng trong năm nay,Nhà nước sẽ thắt chặt việc quản lý tài sản công, nhất là chuyển nhượng đất đai để tránh thất thoát tài sản nhà nước, vì vậy có nhiều lo ngại rằng nguồn cung bất động sản sẽ giảm.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng thừa nhận có những lo ngại như trên, tuy nhiên điều đó khiến cho thị trường bất động sản càng thêm minh bạch, sàng lọc những công ty đầu tư ít vốn và thiếu năng lực triển khai dự án.
Mặt khác, theo ông Quỳnh, những dự án đang bắt đầu triển khai về thủ tục pháp lý thì có phần kém về lợi thế thời điểm bán hàng, và sẽ có khó khăn cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, ông Quỳnh tin tưởng những dự án mà có vị trí thuận tiện gần trung tâm được xây dựng nhà giá trung bình thì vẫn thu hút được người mua nhà.
“Các công ty phát triển bất động sản phải xây dựng dự án có tầm nhìn và hướng đến tiện ích tối đa cho khu dân cư, không thể làm mà chỉ chăm thu lợi nhuận thì khách hàng không chấp nhận”, ôngnói.
Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Nhà nước làm chặt chẽ vấn đề chuyển đổi đất công sang đất thương mại, nhà ở sẽ khiến cho thị trường nguồn cung yếu đi. Điều này khiến cho thị trường tốt hơn, ổn định hơn là nguồn cung ồ ạt như những năm 2016, 2017. Có thể thấy đầu năm 2018, nguồn cung vừa phải, không ồ ạt như những năm qua.