Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tất cả thường trực UBND phải đi chống ngập và chỉ đích danh 4 Phó chủ tịch đi khảo sát các điểm ngập và làm việc với quận, huyện để xử lý tình trạng ngập nặng khi mưa lớn và đưa ra các giải pháp cụ thể.

TP.HCM: Ngập sâu là vì hệ thống cống thoát nước mưa chỉ đạt 43% so với yêu cầu

Phan Diệu | 29/08/2016, 18:44

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tất cả thường trực UBND phải đi chống ngập và chỉ đích danh 4 Phó chủ tịch đi khảo sát các điểm ngập và làm việc với quận, huyện để xử lý tình trạng ngập nặng khi mưa lớn và đưa ra các giải pháp cụ thể.

Ngày 29.8, TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra khá lo lắng về tình trạng ngập nhiều nơi trên địa bàn thành phố sau mưa lớn ngày 26.8.

"Triều cường không cao, nước kênh Nhiêu Lộc không lớn, tại sao hôm đó đường Phan Xích Long, đường Nơ Trang Long, rồi cả khu vực quận Tân Bình lại ngập?”.

“Mở báo ra, đọc comment (bình luận) của người dân toàn nói về ngập mà thấy nhức nhối. Không biết anh Công (ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước) có đọc không?”, ông Phong hỏi.

Theo ông Phong, từ đầu năm đến nay, thành phố đã rất cố gắng thực hiện các dự án, công trình chống ngập nhưng tình trạng ngập vẫn xảy ra khắp nơi. “Nguyên nhân là từ đâu?”, ông Phong hỏi.

Ông Phong nói thành phố phải có giải pháp chứ từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục là mùa mưa. Tình trạng rất nhức nhối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tác động tới tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Dù thành phố có nỗ lực nhưng không giải quyết đồng bộ thì tình trạng ngập vẫn còn diễn ra.

Trả lời về tình trạng ngập nặng trên toàn địa bàn, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng lượng mưa chiều 26.8 rất lớn, lại diễn ra hơn 2 tiếng đồng hồ nên vượt quá quy hoạch thoát nước một số nơi. Đây là lý do khiến nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ. Ngoài ra, khu vực thoát nước mưa theo quy hoạch phải đầu tư 6.000 km cống thoát nước, thế nhưng hiện tại thành phố chỉ có hơn 2.500 km, chỉ mới hoàn thành được 43%.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cũng cho rằng trận mưa ngày 26.8 không có triều cường nhưng nguyên nhân ngập nặng là do nước trên các mặt đường rút không kịp bởi các tuyến cống thoát nước ứ đọng rác thải và kênh rạch bị lấn chiếm chưa được giải toả.

Đối với tình trạng ngập úng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Công nói có 3 dự án chống ngập là mương A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản nhưng chưa hoàn thành.

Cụ thể, dự án cải tạo mương A41 do quận Tân Bình làm chủ đầu tư đến năm 2019 mới hoàn thành. Mương Nhật Bản do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư đã hoàn thành 85%. Còn kênh Hy Vọng chưa giải quyết được vấn đề tái định cư cho 97 hộ dân dọc theo mương mặc dù đây là tuyến thoát nước tốt nhất.

Đối với dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, ông Công nói tuyến đường này chỉ mới thực hiện được 300 m trong tổng số 3.000m phải làm. Nguyên nhân là do vướng đường ống cấp nước sạch nên bị tắc đường cống thoát nước ngập.

Liên quan đến việc ngập đường Trường Sơn, ông Nguyễn Ngọc Công nói là do cống thu nước quá nhỏ và hẹp, nhưng hệ thống cống thoát nước ở đường Trường Sơn lại rất tốt.

Đáng chú ý, ông Công cũng thông tin là Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã gọi điện và yêu cầu người đứng đầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập giải trình trong sáng 29.8.

Sau giải trình của Sở Giao thông vận tải và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu tất cả thường trực UBND phải đi chống ngập.

Ông Phong đã chỉ đích danh 4 Phó chủ tịch UBND TP là ông Trần Vĩnh Tuyến, Huỳnh Cách Mạng, Lê Văn Khoa, Lê Thanh Liêm phối hợp với Trung tâm điều hành chương trình chống ngập đi khảo sát các điểm ngập.

Đồng thời, 4 Phó chủ tịch cũng phải làm việc với các quận, huyện để để xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch khiến hệ thống thoát nước không đồng bộ, gây ngập nặng khi mưa lớn và đưa ra các giải pháp cụ thể.

Ông Phong khẳng định thành phố phải tạo ra sự chuyển biến thật sự sau chỉ đạo này.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Ngập sâu là vì hệ thống cống thoát nước mưa chỉ đạt 43% so với yêu cầu