Theo chính quyền TP, mở cửa theo lộ trình nên các em dưới 18 tuổi không học tại trường mà học trực tuyến, nếu không có việc cần thiết không nên ra đường.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM sáng 30.9, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã triển khai chỉ thị của UBND TP.HCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Theo đó, sau ngày 30.9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về thời điểm có hiệu lực của chỉ thị, ông Lê Hòa Bình cho biết hiện vẫn thực hiện theo quyết định 3072 đến hết ngày 30.9, sau đó, TP sẽ có văn bản tiếp nối. Riêng các hoạt động được mở cửa lại từng bước, sẽ có lộ trình cụ thể từng địa bàn, từng phường, từng khu phố.
Về việc đi lại của người dân, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh việc qua lại giữa các chốt phải đảm bảo an toàn. Mỗi tỉnh, thành có mức độ phủ vắc xin và tình hình dịch bệnh cũng khác nhau.
“Việc kiểm soát để người dân hạn chế đi lại liên tỉnh để đảm bảo sức khỏe. Người dân không có việc cần thiết thì cần ở lại thành phố, lao động tại địa bàn”, ông Bình nói.
Về kế hoạch liên vùng, TP.HCM đã có bộ 10 tiêu chí gửi cho 4 tỉnh, thành lân cận. Nguyên tắc là đưa đi và đón về. TP đang thống kê lại danh sách khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao lượng công nhân ở tỉnh nào thì có văn bản đưa đón. Người dân các tỉnh đang cư trú tại TP.HCM có nhu cầu về quê thì thời gian qua, TP cũng đã đưa về một cách có tổ chức và sẽ tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, người dân không được tự ý đi phương tiện cá nhân về các tỉnh thành. Ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An để tổ chức xe, đưa người trở lại TP.HCM làm việc. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP đang thiếu nguồn lao động, cơ hội của người lao động khi ở lại TP.HCM và trở lại TP để tìm kiếm việc làm phù hợp là rất lớn. Người lao động ở TP.HCM được chăm lo về an sinh xã hội, được tiêm vắc xin.
Về trẻ em dưới 18 tuổi, TP sẽ quản lý bằng khai báo y tế, tuy nhiên vì mở cửa theo lộ trình nên các em dưới 18 tuổi không đi học tại trường mà học trực tuyến. Do đó, nếu không có việc cần thiết, nhóm này không nên ra đường.
“Trẻ em là tài sản của quốc gia nên khi chưa có quy định tiêm vắc xin của Bộ Y tế thì người thân không để các em tự ý ra đường, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nói.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội, TP.HCM triển khai hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP.HCM. Đồng thời, TP ban hành chính sách hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm An sinh TP.HCM, không ngừng cải thiện chất lượng sinh hoạt đời sống của người dân. TP.HCM triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, củng cố lực lượng lao động trở lại sản xuất, kinh doanh, không để thiếu hụt lao động.
Vấn đề chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, TP.HCM ban hành quy trình quản lý và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong quy khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.
Đảm bảo 100% các quận, huyện, TP.Thủ Đức có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; đảm bảo 100% các trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà. Có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh).
Trong công tác điều trị, TP.HCM tiếp tục hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. TP.HCM nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa.