Thông qua việc mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều dự án bất động sản “trùm mền” đã được hồi sinh. Từ đầu năm 2017, thị trường M&A bất động sản tiếp tục diễn ra sôi động với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TP.HCM: Nhiều dự án bất động sản hồi sinh nhờ mua bán, sáp nhập

Phan Diệu | 13/03/2017, 15:46

Thông qua việc mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều dự án bất động sản “trùm mền” đã được hồi sinh. Từ đầu năm 2017, thị trường M&A bất động sản tiếp tục diễn ra sôi động với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hồi sinh hàng loạt dự án “trùm mền”

Tại TP.HCM, do ảnh hưởng suy thoái của thị trường bất động sản giai đoạn 2009 – 2013, thị trường đã có hơn 14.000 căn hộ tồn kho, hàng trăm dự án “trùm mền”. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải tìm cách chuyển nhượng dự án để cân bằng tài chính.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, thị trường bắt đầu chứng kiến sự trỗi dậy của các chủ đầu tư trong nước có năng lực đã tiến hành mua lại để tái khởi động các dự án đang gặp khó khăn. Từ thế yếu, các doanh nghiệp nội đang dần trở thành những người dẫn đầu trong cuộc đua mua bán, sáp nhập (M&A).

Đặc biệt, đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư ngoại đổ bộ mạnh vào Việt Nam, tiến hành thâu tóm và phát triển dự án. Với vị thế cân bằng, những cái bắt tay giữa quỹ ngoại và doanh nghiệp nội xuất hiện như mộtxu thế tất yếu.

Từ đầu năm 2017, thị trường M&A bất động sản tiếp tục diễn ra sôi động với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, sau hàng loạt thương vụ M&A thành công, ngày 12.3 An Gia Investment và quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) thông báo đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7) từ tay Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Trong đó, giai đoạn 1 An Gia Investment đã mua lại 2 block vào tháng 3.2015, giai đoạn 2 tiến hành mua lại 5 block tiếp theo.

Được biết, dự án này có quy mô khoảng 6 ha với 2.000 căn hộ bao gồm cả office-tel (kết hợp cả làm việc và nghỉ ngơi).Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3.500 tỉ đồng. Dự ánthuộc phân khúc trung cao cấp và là dự án thứ 6 được doanh nghiệp này thực hiện theo hình thức M&A trong thời gian qua.

Để thành công trong việc mua lại dự án này, quỹ đầu tư Creed Group đã cam kết rót 200 triệu USD vào An Gia Investment và đưa doanh nghiệp này trở thành công ty hiếm hoi có “dự trữ” hàng nghìn tỉ đồng tiền mặt.

Đáng chú ý, mới đây, 2 doanh nghiệp này cũng đã hợp tác với Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt tái khởi động dự án River City quy mô 11,25 ha và dự kiến bàn giao nhà vào năm 2019.

Bên cạnh An Gia, thị trường cũng chứng kiến hàng loạt “ông lớn” mạnh tay thâu tóm một lượng lớn quỹ đất. Đơn cử như Novaland, chỉ 4 dự án năm 2014 thì nay doanh nghiệp này đã phát triển hơn 60 dự án. Từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã mua lại gần 100 dự án được liệt vào diện "chết"từ các doanh nghiệp khác.

Trong năm 2016, số lượng dự án mà Novaland đã hoàn thành và bàn giao là 7 dự án và 21 dự án mới đã và đang được phát triển. Hiện tại, Novaland đang thương lượng với một số công ty sở hữu quỹ đất lớn tại quận 5 để nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư.

Không kém cạnh 2 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh cũng đã có đến 7 dự án M&A và nâng tổng số dự án đang triển khai lên 20 dự án. Đất Xanh mới đây cũng đã thỏa thuận xong thương vụ chuyển nhượng cổ phần từ Petrol Land để nhận quyền phát triển dự án khu nhà ở chung cư cao tầng tại quận 9 với diện tích 8,57ha.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã thâu tóm gần 12 dự án lớn nhỏ nằm tại khu đông, nam và tây bắc bằng cách mua 100% các doanh nghiệp đang sở hữu đất hay dự án. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác như Sacomreal, Hưng Lộc Phát, Vietcomreal... cũng đã vào cuộc mua lại các dự án “chết” để khởi động trở lại.

Cái “bắt tay” tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ

Theo một số chuyên gia, hiện tại, nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhưng do thiếu kinh nghiệm bán hàng, thiếu vốn hoặc chưa định hình được phân khúc nên không thể tiếp tục triển khai dự án. Thế nên thông qua M&A, nhiều chủ đầu tư đã giải quyết được một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường bất động sản.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, sau khi chuyển nhượng dự án cho những doanh nghiệp có tiềm lực cũng đã thu lại được nguồn vốn, trả được nợ và tái khởi động những kế hoạch kinh doanh tiếp theo.

Lý giải cho việc thị trường liên tục diễn ra các thương vụ M&A, ông Masakazu Yamaguchi – Giám đốc Quỹ đầu tư Creed Group tại Việt Nam nói rằng thông thường các quỹ đầu tư nước ngoài có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm quản lý. Trong khi đó, những doanh nghiệp trong nước lại có lợi thế rất lớn về tiếp cận quỹ đất, sự am hiểu về thị trường, môi trường kinh doanh và các chính sách pháp lý. Vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ giúp kết hợp hiệu quả những thế mạnh của mỗi bên, tạo nên năng lực cạnh tranh lớn hơn rất nhiều.

Đồng quan điểm trên, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc CBRE Việt Nam nhận định nhà đầu tư trong nước thời gian gần đây chiếm ưu thế lớn về số lượng giao dịch chuyển nhượng do có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận quỹ đất, sự thông hiểu về thị trường và hệ thống pháp lý.

Còn ông Lương Sĩ Khoa – Phó Chủ Tịch HĐQT An Gia Investment lý giải việc bắt tay con đường M&A thay vì tự phát triển quỹ đất để làm dự án mới sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng. Nếu phát triển dự án mới, công đoạn này có khi lên đến hơn 1 năm trời trong khi thị trường đang có những tín hiệu tốt nên phải tận dụng cơ hội để giới thiệu sản phẩm ngay.

Chưa kể, phần lớn các dự án bị đứng đều nằm tại các vị trí đẹp, quỹ đất lớn, cận kề trung tâm, có hạ tầng dân sinh phát triển, kết hợp với lợi thế về kinh nghiệm và dòng tiền mạnh của doanh nghiệp này thì dễ dàng phát triển những dòng sản phẩm mới phù hợp hơn.

2017 sẽ là năm kỷ lục của M&A bất động sản

Với các động thái tích cực trên, sắp tới hoạt động M&A được dự báo là sẽ phát triển mạnh mẽ hơn do thị trườngnằm trong chu kỳ tăng trưởng, lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn và sự tác động từ chính sách khiến các doanh nghiệp có xu hướng bắt tay nhau.

Theo đánh giá của ông Marc Townsend, M&A bất động sản trong năm 2017 sẽ tiếp tục sôi động và lộ diện nhiều gương mặt mới với tiềm lực tài chính khá mạnh. Đây là một trong những điểm sáng của thị trường bất động sản năm nay.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định M&A sẽ tiếp tục là hướng đi chủ đạo của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong những năm tới đây. Đặc biệt, năm 2017, mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, bởi cơ hội và điều kiện cho các thương vụ M&A rất lớn khi TP.HCM đang có 500 dự án tạm ngưng triển khai.

Theo ông Stephan Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam, kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện với các chỉ số kinh tế tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.Do đó, Tổng giám đốc JLL đánh giá 2017 sẽ là năm kỷ lục của M&A bất động sản.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Nhiều dự án bất động sản hồi sinh nhờ mua bán, sáp nhập