Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đang là nhu cầu rất lớn của nhiều người lao động có thu nhập thấp, nhưng nguồn cung phân khúc lại rất hạn hẹp. Nắm bắt được “cơn khát” về nhà ở giá rẻ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu lấn sân sang phân khúc này.

Gỡ được vướng mắc, giấc mơ nhà giá rẻ của người nghèo sẽ thành

Phan Diệu | 12/03/2017, 11:54

Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đang là nhu cầu rất lớn của nhiều người lao động có thu nhập thấp, nhưng nguồn cung phân khúc lại rất hạn hẹp. Nắm bắt được “cơn khát” về nhà ở giá rẻ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu lấn sân sang phân khúc này.

Nhiều doanh nghiệp nhập cuộc

Tại TP.HCM, từ năm 2000 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền và đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nhà ở giá rẻ tại các quận ven và huyện ngoại thành.

Cụ thể, Công ty Lê Thành đã đầu tư nhiều dự án căn hộ vừa túi tiền để cho thuê hoặc bán cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị với hơn 4.500 căn hộ. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đã đầu tư các dự án nhà ở thương mại có diện tích 29m2/căn cho thuê dài hạn 49 năm.

Công ty Lê Thành đã đưa ra thị trường 2 chung cư thấp tầng với quy mô 285 căn hộ nhỏ 19m2/căn, cho thuê với giá chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, đặt cọc 1 tháng tiền thuê nhà. Đặc biệt, trong năm 2017, Lê Thành dự kiến sẽ đưa vào sử dụng các dự án chung cư gồm 1.530 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê dài hạn tại phường An Lạc, quận Bình Tân.

Bên cạnh Lê Thành, Công ty Thiên Phát cũng đã đầu tư dự án chung cư nhà ở xã hội gồm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Linh Trung 2. Công ty này còn đang đề nghị được đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại khu công nghệ cao TP.HCM.

Trong phân khúc này, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đã đầu tư khu nhà lưu trú công nhân đầu tiên của TP tại khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức). Tanimex thìđầu tư khu nhà lưu trú công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình.

Công ty Hoàng Quân đã hoàn thành đưa vào sử dụng khu nhà ở xã hội gồm 1.700 căn tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và đang tiếp tục đầu tư vào 4 dự án nhà ở xã hội tại TP, trong đó có dự án nhà ở xã hội số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân hợp tác với Qũy Phát triển nhà ở thành phố gồm 718 căn hộ.

Công ty Thủ Thiêm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng chung cư nhà ở xã hội gồm 304 căn tại phường Thảo Điền, quận 2. Công ty Nam Long đã thực hiện 8 dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền EHome và đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội EHomeS.

Các “ông lớn” như Him Lam, Nhà Mơ, Thuận Việt, An Gia, Hoàng Anh Gia Lai, Vietcomreal, Hưng Thịnh, Đất Lành... cũng đã đầu tư phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, dự án căn hộ nhỏ đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Cuối năm 2016, Vingroup công bố sẽ đầu tư xây dựng chuỗi nhà ở giá rẻ với tổng số khoảng 200.000 - 300.000 căn hộ mang thương hiệu VinCity tại 7 địa phương, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nha Trang và TP.HCM. Điều đáng nói, mức giá của sản phẩm chỉ từ 700 triệu đồng/căn, thậm chí tại một số địa phương như Hà Tĩnh, giá căn hộ có thể chỉ bắt đầu ở mức 450 triệu.

Theo các chuyên gia, nhu cầu về nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp chưa bao giờ hết nóng và năm 2017 nhà ở giá rẻ sẽ là phân khúc trung tâm của thị trường bất động sản.

Một dự án nhà ở xã hội của Công ty Đức Khải ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: P.D

Cần gỡ được vướng mắc cho doanh nghiệp

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu -Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá rẻ, có đủ các tiện ích cơ bản.

Để làm được việc này, TP cần khuyến khích xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội như trong thời gian qua, đã có những doanh nghiệp tư nhân đưa quỹ đất vào phát triển các dự án nhà ở xã hội. Cũng như đã có hàng chục ngàn cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư phát triển các khu nhà trọ, phòng trọ. Việc này đã giải quyết được phần lớn nhu cầu thuê nhà của công nhân, lao động, người nhập cư tại TP.HCM.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư, trên cơ sở giá bán nhà ở xã hội đã được tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở và lãi vay. Lợi nhuận này cũng không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán nhà ở xã hội.

“Chính sách này không hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản với ý thức trách nhiệm xã hội đã tham gia đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt, có cả các dự án nhà ở xã hội cho thuê được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Vì vậy, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố với tinh thần cống hiến và bất vụ lợi”, ông nói.

Còn ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành nói rằng về mặt chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội đã được luật quy định tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi còn nhiêu khê khiến doanh nghiệp khó hưởng ưu đãi. Trong đó, thủ tục hành chính quá nhiêu khê, một dự án nhà ở xã hội muốn hoàn tất phải mất khoảng ba năm.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo về nhà ở xã hội do Hiệp hội Bất động sản tổ chức diễn ra vào cuối tháng 2.2017, Bí thư Thành ủy TP.HCM cam kết sẽ đặt mục tiêu thời gian hoàn tất thủ tục ban đầu cho doanh nghiệp khi xây dựng nhà ở xã hội là 6 tháng.

Ngoài ra, ông Nghĩa nhận định để giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, thành phố phải quyết được vấn đề quy hoạch, chấp nhận tăng chỉ tiêu dân số ở địa phương có dự án bởi dân số TP.HCM có dân số đông. Nếu gỡ được các vướng mắc đã tồn tại lâu nay, nhà ở xã hội giá rẻ sẽ là giấc mơ gần của người nghèo trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nói để khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà giá rẻ có cơ hội phát triển, Chính phủ cần cởi mở hơn về luật lệ để các doanh nghiệp dễ dàng đầu tư vào phân khúc nhà giá rẻ với điều kiện có lợi cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 402.000 công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó hơn 284.000 công nhân đang có nhu cầu nhà ở.

Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có 78.000 căn hộ bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở dành cho công nhân, trong đó 30.000 căn nhà ở xã hội và khoảng 48.000 chỗ ở do các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tư.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ được vướng mắc, giấc mơ nhà giá rẻ của người nghèo sẽ thành