Trước tình trạng bệnh tả lợn châu Phi đang lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phía bắc, có nguy cơ lây lan vào các địa phương phía nam, lực lượng chức năng của TP.HCM đã tiến hành “đột kích” vào nhiều cơ sở giết mổ lớn ở TP để kiểm tra công tác giết mổ cũng như nguồn gốc heo giết mổ tại đây.
Đêm 11 và rạng sáng 12.3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh giết mổ heo trên địa bàn TP, tập trung chủ yếu tại các cơ sở giết mổ lớn.
Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 12.3, lực lượng chức năng đã bất ngờ kiểm tra lò giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) - đây là lò giết mổ lớn nhất của TP, có công suất khoảng 1.500 con heo mỗi đêm.
Cơ sở giết mổ này đã từng bị phát hiện hơn 4.600 con heo tiêm chất an thần đang chờ giết mổ. Vì thế dù là một cơ sở giết mổ chính thống nhưng việc để lọt heo bệnh, heo không an toàn vẫn có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện đang có dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh phía Bắc.
Cùng lúc đó, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ ở Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).
Tại các cơ sở trên, lực lượng chức năng ghi nhận lượng heo giết mổ giảm đáng kể. Số lượng heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á nhập về để giết mổ chỉ có 900 con, giảm hơn rất nhiều so với công suất 1.500 con/ ngày.
Trong khi đó, tại cơ sở giết mổ ở Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) lượng heo giết mổ ở đây cũng giảm đáng kể, chỉ có khoảng 1.000 con heo nhập về để giết mổ, giảm khoảng500 con so với những ngày trước đó.
Theo các cơ sở giết mổ nói trên, sở dĩ lượng heo nhập về giết mổ giảm là do hiện nay TP.HCM đang cấm các lò giết mổ nhập nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm ngăn ngừa tình trạng lây lan bệnh tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, sức mua thịt heo tại các chợ chợ đầu mối cũng giảm đáng kể do tâm lý của người dân bị tác động bởi bệnh tả lợn châu Phi.
Qua tìm hiểu của phóng viên tại 2 chợ đầu mối có lượng thịt heo lớn nhất của TP là chợ đầu mối Hóc Môn và chợ đầu mối Bình Điền trong những ngày gần đây lượng heo nhập về đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây, mỗi đêm chợ đầu mối Hóc Môn nhập về khoảng 5.200 con heo thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 5.000 con mỗi đêm; còn tại chợ đầu mối Bình Điền cũng giảm khoảng 500 con heo mỗi đêm với những ngày thường.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn - Ảnh: PV
Đề cập đến việc kiểm tra thịt heo tại các cơ sở giết mổ trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y vàChăn nuôi TP.HCM cho biết trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu lòng, các mạch bạch huyết để phát hiện dấu hiệu bệnh truyền nhiễm, dấu hiệu của tiêm chích trong quá trình nuôi, áp xe… để có biện pháp xử lý nhằm phát hiện tất cả các con heo có dấu hiệu bệnh tật trước khi đưa vào các chợ đầu mối.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng dù heo bị bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người nhưng nguy hiểm nhất là lây lan mầm bệnh cho các điểm chăn nuôi heo, gây thiệt hại cho người chăn nuôilà rất lớn, vì heo mắc bệnh này gần như chết 100%.
Bà Lan cho biết trong thời gian tới, TP sẽ siết chặt hơn nữa về công tác giết mổ heo để đảm bảo heo bệnh không có cơ hội lọt vào TP. Hiện nay TP có một thuận lợi lớn trong việc giám sát nguồn gốc heo, vì có 12 cơ sở giết mổ tập trung được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 11 cơ sở giết mổ heo.
Tuy nhiên bà Lan cũng tỏ ra lo lắng khi các thương lái đang tìm cách “tuồn” heo bệnh vào TP bằng con đường vòng.
“Một số thương lái vận chuyển heo bệnh đến các cơ sở giết mổ ở những địa phương lận cận có công tác giám sát giết mổ còn lỏng lẻo để giết mổ rồi sau đó đưathịt heo vào các chợ đầu mối ở TP.HCM để tiêu thụ. Bên cạnh đó, là những lò giết mổ heo lậu cũng đưa thịt heo vào các chợ đầu mối của TP để tiêu thụ.
Thực tế trong thời gian qua, TP đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển heo bệnh, heo không an toàn vào các chợ đầu mối ở TP.HCM tiêu thụ, mới đây nhất Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã phát hiện hơn 1 tấn thịt heo có dấu hiệu lở mồm long móng, mụn nước, xuất huyết... được đưa vào chợ đầu mối Bình Điền để tiêu thụ. Do đó vấn đề hiện nay làphải kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ, các chốt kiểm dịch và tuyên truyền cho người dân, nhất là những người căn nuôi nhỏ lẻ hiểu được tác hại nguy hiểm đó”, bà Lan nói.
Hồ Quang