UBND quận 10 (TP.HCM) yêu cầu chính quyền 6 phường thuộc cấp độ 3 dừng phục vụ rượu, bia và hạn chế một số hoạt động.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tại cuộc họp báo chiều 20.12, trong tuần qua cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM vẫn ở cấp độ 2. Đối với cấp quận huyện và TP. Thủ Đức, có 10/22 địa phương thuộc cấp độ 1; 11/22 địa phương ở cấp độ 2; đặc biệt có quận tăng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 là quận 10.
Ở phường, xã, thị trấn có 147/312 địa phương có dịch cấp độ 1; 148/312 địa phương có dịch cấp độ 2 và có 17/312 địa phương có dịch ở cấp độ 3.
Như vậy, hiện nay quận 10 là quận duy nhất tại TP.HCM đang ở cấp độ 3 - nguy cơ cao.
Theo ông Bùi Thế Hải - Phó chủ tịch UBND quận 10, nguyên nhân khiến địa phương này tăng cấp độ dịch là do nơi đây giao thoa nhiều tuyến giao thông của TP; hơn nữa người dân nhập cư ở đây nhiều, giao lưu sinh hoạt có sự chủ quan.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính tăng cấp độ dịch trên địa bàn quận là do việc triển khai chiến dịch xét nghiệm tầm soát nhóm người có nguy cơ cao, phát sinh thêm các trường hợp F0. Bên cạnh đó, là trường hợp của những người dân từ các nơi khác đến địa bàn thuê nhà trọ lưu trú.
Để kéo cấp độ dịch của địa phương đi xuống, ông Hải cho biết quận sẽ tổ chức đồng bộ các giải pháp. Trước mắt, UBND quận đã chỉ đạo 6 phường có dịch ở cấp độ 3 phải giảm các sự kiện, không tổ chức bán rượu bia; tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với các khu nhà trọ, các nhà cho thuê; đảm bảo tất cả người mắc COVID-19 được thăm khám, cấp thuốc kịp thời thông qua các trạm y tế cố định và lưu động; tăng cường bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao; tổ chức triển khai tiêm vắc xin.
Quận cũng sẽ phối hợp với ngành y tế giám sát, chăm sóc người F0; hình thành 2 trạm oxy để sẵn sàng cung cấp oxy cho các trạm y tế; triển khai thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về huy động nhà thuốc tư nhân phố hợp với ngành y tế thăm gia các hoạt động chăm sóc người F0; phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược, Hội thầy thuốc trẻ, 20 nhân viên y tế của các phòng khám đa khoa… theo dõi chỉ số SP02 (nồng độ oxy trong máu) của các F0.
Riêng việc dạy và học trực tiếp đối với học sinh trên địa bàn có dịch ở cấp độ 3, ông Hải cho biết sẽ triển khai theo quy định của Sở Y tế và Sở GD-ĐT; giảm số tiết tối thiểu, kết hợp việc học trực tiếp với học trực tuyến. Việc tổ chức các lớp học, phân luồng, đo thân nhiệt… được thực hiện nghiêm.
Chia sẻ về điều này, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, việc thay đổi cấp độ dịch ở một quận huyện hay TP thì việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng thay đổi theo cấp độ dịch. Sở cũng đã có văn bản 3427 hướng dẫn về việc học trực tiếp ở từng cấp độ dịch.
“Điều này nằm trong kế hoạch và đã có hướng dẫn ngay từ đầu. Vì vậy khi cấp độ dịch ở địa phương thay đổi thì các cơ sở giáo dục ở đó phải thích ứng linh hoạt an toàn. Khi thay đổi cấp độ dịch thì sẽ thay đổi hình thức tổ chức học để đảm bảo an toàn theo cấp độ dịch ở địa phương”, ông Trọng nhấn mạnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 19.12, TP có 495.317 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 494.724 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 593 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 10.463 bệnh nhân, trong đó có 313 trẻ em dưới 16 tuổi, 462 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 19.12 có 674 bệnh nhân nhập viện, 817 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện từ đầu năm 2021 đến nay là 299.330 bệnh nhân), 56 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm 2021 đến nay là 19.438 bệnh nhân).
Về công tác tiêm vắc xin, đến ngày 19.12, TP đã tiêm được 7.962.268 mũi 1, 6.927.823 mũi 2, 22.516 mũi bổ sung và 55.850 mũi nhắc lại (mũi 3).