Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượt người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh. Song theo Sở Y tế TP.HCM, số tiền chi bảo hiểm y tế trong năm 2020 tại các cơ sở y tế sẽ vượt dự toán chi.
Các bệnh viện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm chi tiêu bảo hiểm y tế
Điều trị trái tuyến ở bệnh viện tuyến tỉnh vẫn được hưởng bảo hiểm y tế
TP.HCM quyết xử nghiêm hành vi trục lợi từ bảo hiểm y tế
Ngày 18.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết dự kiến trong năm 2020, các cơ sở y tế trên địa bàn TP sẽ vượt dự toán chi bảo hiểm y tế được giao.
Theo Sở Y tế TP, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượt người khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập và dân lập giảm đến 12,4% so với cùng kỳ, nhưng tổng chi 6 tháng đầu năm đã chiếm 48% tổng dự toán chi cho năm 2020. Trong đó có 20 bệnh viện vượt 50% tổng dự toán chi. Trong đó 3 bệnh viện có số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 là: Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh viện quận Thủ Đức có số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao nhất (891.641 lượt), kế đến là Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (600.750 lượt) và Bệnh viện Chợ Rẫy (466.791 lượt). 3 bệnh viện có tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Thống Nhất. Cao nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến hơn 1,5 tỉ đồng.
Với số tỷ lệ chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Y tế TP.HCM cho rằng sẽ tiếp tục vượt dự toán chi trong năm 2020 dù số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm rõ trong 6 tháng đầu năm do tác động của dịch COVID-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM có số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 20%, nhưng đã chiếm gần 49% tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh nhiều ảnh hưởng đến việc cân đối dự toán chi bảo hiểm y tế của TP.HCM (do không còn chuyển quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ các tỉnh về thành phố như trước đây). Đây chính là khó khăn lớn nhất cho các giám đốc bệnh viện trong việc quản lý và điều hành dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao.
Ngoài ra, tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh đến không chỉ tập trung ở các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố (thường là bệnh nặng, được chuyển viện, chủ yếu là điều trị nội trú), mà còn ở các bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện quận, huyện và cả bệnh viện tư nhân (thường là bệnh không nặng, chủ yếu khám chữa ngoại trú).
Do đó, Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét và có kế hoạch bổ sung dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong năm 2020.
Ngoài ra, Sở Y tế TP yêu cầu mỗi bệnh viện phải chủ động rà soát, và triển khai ngay giải pháp can thiệp phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vượt dự toán chi bảo hiểm y tế tại bệnh viện mình.
Hồ Quang