Hiện tại, Sở GTVT tiếp nhận khoảng 9.000 đơn đề nghị di chuyển liên tỉnh của người dân và đã giải quyết hơn 1/3 số đơn đề nghị.
Chiều 7.10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Tại buổi họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 06.10, có 403.997 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 403.501 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 496 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ em dưới 16 tuổi, 631 bệnh nhân nặng đang thở máy.
Trong ngày 6.10 có 1.205 bệnh nhân nhập viện, 2.740 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1 đến nay là 225.304), 92 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1 đến nay là 15.525).
Tổng số vắc xin đã triển khai tính đến ngày 6.10, mũi 1 là 7.013.921 và mũi 2 là 4.951.439.
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết về số lượng người dân khám ngoại trú liên quan đến các bệnh lý thông thường. Theo đó, có 2 bệnh viện chính thức chuyển đổi công năng hoàn toàn, tiếp nhận bệnh thông thường là Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Hiện số lượng bệnh nhân khám ngoại trú tại Bệnh viện quận 7 khoảng 500 bệnh nhân/ngày (trước dịch, bệnh viện tiếp nhận 800-1.000 bệnh nhân/ngày). Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, sau khi hoạt động với chức năng bình thường, ước tính khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhân/ngày.
20 địa phương được đề nghị công nhận kiểm soát dịch
Đến nay, đã có thêm 3 đơn vị được đề nghị công nhận kiểm soát dịch là quận 4, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Như vậy, đã có 20 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Còn lại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận.
Bên cạnh đó, số lượng lượng lao động cũng như doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trở lại ngày càng tăng. Trong 3 ngày, từ 1-3.10, có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đến ngày 6.10 có 9.200 doanh nghiệp.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trước 1.10 có 70.000/288.000 lao động hoạt động (chiếm 24,3%), có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 52,8%). Đến 6.10, có 164.000/288.000 lao động làm việc (đạt 56,8%) và có 972/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 68,8%).
Tại khu công nghệ cao, trước 1.10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, qua 6 ngày, số lao động tăng lên 27.300 công nhân (chiếm 54,6%) và có 88/118 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Từ đó cho thấy, các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều lao động sau khi khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, số lao động ở khu công nghiệp, công nghệ cao chỉ trên 50%, đây là bài toán rất lớn TP cần giải quyết. "TP trân trọng mời người lao động tiếp tục ở lại cũng như quay trở lại TP.HCM để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh", Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ.
2.373.049 người đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, tính đến nay, 2.373.049 người tại TP.HCM đã nhận được hỗ trợ. TP có 3 quận dẫn đầu về tiến độ giải ngân gồm: quận Phú Nhuận (96,3%), quận 5 (92, 2%), quận 1 (92,5%). Với tiến độ trên, dự kiến đến cuối tuần này, một số quận sẽ hoàn thành việc chi trả. “Đến ngày 15.10, dự kiến công tác chi trả hỗ trợ tại các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ được hoàn tất đúng tiến độ”, ông Lâm cho hay.
TP.HCM đã có 28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại
Về phương án mở lại các chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Theo khảo sát, các chợ này tập trung tại quận 5 (5 chợ), huyện Củ Chi (7 chợ), huyện Cần Giờ (8 chợ). Dự kiến ngày mai (8.10), TP tiếp tục mở thêm 3 chợ truyền thống để đảm bảo công tác cung ứng lương thực và hàng hóa cho người dân.
“Đối với nguồn hàng về chợ đầu mối, dù chưa hoạt động nhưng các chợ đều có các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Hiện nay, các điểm này đang hoạt động ổn định, nguồn hàng về tăng dần so với thời gian trước ngày 1.10 (khoảng 1.100 - 1.200 tấn/ngày)”, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết.
Tiếp nhận khoảng 9.000 đơn đề nghị di chuyển liên tỉnh
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Bùi Hoà An, hiện tại, Sở tiếp nhận khoảng 9.000 đơn đề nghị di chuyển liên tỉnh của người dân và đã giải quyết hơn 1/3 số đơn đề nghị.
Chiều ngày 6.10, Sở Giao thông Vận đã tải tiến hành thử nghiệm, cho người dân đăng ký hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Sở (thay vì đăng ký qua email). Từ đó, Sở nhận thấy việc thực hiện và phản hồi nhanh hơn trước.
Đối với phương án lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, Sở Giao thông Vận tải TP đã có văn bản 3252 gửi một số địa phương, đề nghị các tỉnh thống nhất phương án, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển. Đến nay, TP.HCM đã nhận được phản hồi từ các tỉnh và đang hoàn thiện phương án theo góp ý.
“Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện y tế, hiện tại, không thể thống nhất phương án đi lại chung giữa TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Do đó, Sở Giao thông Vận tải đang hoàn chỉnh văn bản theo hướng xây dựng phương án đi lại giữa TP.HCM và từng tỉnh cụ thể”, ông Bùi Hòa An phát biểu tại họp báo.
Liên quan đến việc tiếp nhận, hỗ trợ người dân muốn về quê thông qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP Thượng tá Nguyễn Thanh Phong thông tin, từ khi tổ chức đường dây nóng, hiện nay Bộ Tư lệnh TP ghi nhận có trên 200 người dân đăng ký về quê ở 45 tỉnh, thành. Tuy nhiên, về vận chuyển, Sở Giao thông vận tải TP vừa có văn bản số 10722/SGTVT-VP về việc hướng dẫn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cần thiết. Do vậy, khi gọi qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP, người dân sẽ được hướng dẫn để thực hiện đăng ký theo văn bản 10722/SGTVT-VP của Sở Giao thông vận tải TP hướng dẫn.