Ngày 26.4, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trao đổi thông tin và ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao.

TP.HCM tiếp tục xác định thêm các địa phương trọng điểm trong quan hệ đối ngoại

Tú Viên | 26/04/2023, 19:30

Ngày 26.4, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trao đổi thông tin và ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM luôn quan tâm đến công tác đối ngoại. Cụ thể, TP.HCM thiết lập quan hệ hợp tác với 54 địa phương của các nước và đã ký kết 66 văn bản hợp tác. Hằng năm, lãnh đạo TP.HCM tiếp hơn 400 cuộc tiếp khách quốc tế. TP.HCM tiếp đón khoảng 140 đoàn, chủ trì tổ chức hơn 40 sự kiện đối ngoại.

Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục xác định thêm các địa phương trọng điểm trong quan hệ đối ngoại. Cùng với đó, TP.HCM đã thành lập thành lập Tổ công tác Đối ngoại và Hợp tác quốc tế do Chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ trưởng.

dsc06414-3886.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Ngoài ra, TP.HCM ban hành đề án đào tạo kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố giai đoạn 2021-2026. Đến thời điểm này, TP.HCM đã đào tạo trên 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức theo đề án này.

Thành phố xác định mục tiêu ngoại giao kinh tế là trọng tâm nhằm thu hút, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong đó, TP.HCM xác định hướng phát triển mới như xây dựng trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số...

Cùng với đó, kết nối các nhà đầu tư chiến lược để TP.HCM thực hiện các mục tiêu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm chăm sóc sức khỏe... mang tầm khu vực, quốc tế.

Thành phố đang xây dựng chiến lược đối ngoại và đề án phát triển hình ảnh, thương hiệu TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tập trung làm tốt công tác quảng bá hình ảnh của Thành phố với bạn bè quốc tế, nâng tầm vị thế quốc tế của TP.HCM.

Với mục tiêu phát triển hoạt động ngoại giao, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất TP.HCM cùng Bộ Ngoại giao tiếp tục xây dựng chiến lược đối ngoại, trong đó xác định rõ trọng tâm, lĩnh vực phối hợp.

Ông Sơn cũng khẳng định Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ TP xây dựng, làm sâu sắc, mở rộng mạng lưới quan hệ với các địa phương, đối tác quan trọng, cũng như đẩy mạnh chia sẻ thông tin hai chiều giữa Bộ Ngoại giao và TP.

Về việc thúc đẩy hợp tác trong vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xã hội, ông Sơn cho biết Bộ Ngoại giao sẵn sàng phối hợp với TP để mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề xuất TP đẩy mạnh việc kết nối và huy động nguồn lực từ kiều bào như kiều hối, nhân lực. Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM để phát triển và xây dựng TP.

Đối với ngành ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, TP.HCM có mối quan hệ rất đặc biệt, là địa phương duy nhất mà Bộ Ngoại giao đặt cơ quan chuyên môn là Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Sở Ngoại vụ TP.HCM vừa là cơ quan tham mưu cho Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại ở các tỉnh phía Nam, vừa tham mưu Thành ủy, UBND TP.HCM trong triển khai công tác đối ngoại của Thành phố.

Như vậy, Sở Ngoại vụ TP.HCM thực hiện chức năng "2 trong 1", vừa là cơ quan Trung ương, vừa là cơ quan địa phương. Chính vì tính đặc thù và đặc biệt này, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ký kết quy chế phối hợp để tăng cường phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn Thành phố, phục vụ cho công tác đối ngoại phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TP.HCM mà cho cả khu vực phía Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tiếp tục xác định thêm các địa phương trọng điểm trong quan hệ đối ngoại