Dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại TP.HCM sau gần 80 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này đặt ra cho TP những vấn đề cần chấn chỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

TP.HCM: Tìm "bịt” những lỗ hổng trong công tác chống dịch COVID-19

Hồ Quang | 30/04/2021, 18:06

Dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại TP.HCM sau gần 80 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này đặt ra cho TP những vấn đề cần chấn chỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

Bệnh nhân 2910 ở quận Bình Tân - người tiếp xúc gần với bệnh nhân 2899 ở Hà Nam vốn là người nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung trước khi về địa phương.

Lúc này, các nhà khoa học đưa nhiều giả thuyết về nguyên nhân mắc COVID-19 của bệnh nhân 2899 ở Hà Nam. Có thể bệnh nhân này lây bệnh trong thời gian cách ly, có thể bị lây bệnh trong cộng đồng sau khi cách ly hoặc có thể do lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 lần cuối trước ngày cách ly thứ 14 nên không phát hiện...

tphcm-tim-bit-nhung-lo-hong-torng-cong-tac-chong0dich-covid-19-hinh-anh(1).png
Đoàn kiểm tra của TP.HCM tiến hành kiểm tra, giám sát phòng chống dịch COVID-19 tại một khu cách ly khách sạn vào sáng nay (30.4) - Ảnh: HCDC

Nhưng dù có nguyên nhân gì, việc để “sẩy” bệnh nhân 2899 này ra cộng đồng rồi lây lan cho nhiều người khác cũng khiến chúng ta suy nghĩ lại công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Những giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua có những lỗ hổng nào cần bổ sung, khắc phục và tăng cường thêm những giải pháp nào.

Tại TP.HCM, trong cuộc họp khẩn vào sáng 30.4.2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã nhiều lần nhắc nhở các ngành chức năng của TP đặc biệt lưu ý đến công tác tổ chức cách ly tập trung.

Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu các ngành chức năng có liên quan phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly, những đợt cách ly có ca dương tính phải điều tra nghiêm túc tình trạng tiếp xúc và phải đảm bảo cách ly đủ thời gian quy định đối với người tiếp xúc gần tính từ ngày tiếp xúc cuối cùng với ca dương tính; không cho kết thúc cách ly khi chưa đủ thời gian theo quy định. Những người phục vụ trong khu cách ly phải nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng hộ cá nhân, không để xảy ra lây nhiễm giữa người cách ly và nhân viên phục vụ. Khi có người kết thúc cách ly, khu cách ly có nhiệm vụ truyền thông những việc phải làm sau khi kết thúc cách ly và ký cam kết chấp hành, thông báo danh sách về các địa phương để tiếp tục giám sát theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia. Người đứng đầu khu cách ly chịu trách nhiệm chính về việc này.

Như vậy, có thể thấy TP đã nhận nhận ra một lỗ hổng trong việc cách ly hiện nay đang là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đây là nơi vốn được xem an toàn, giờ lại đang tìm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là những khu cách ly tập trung tại khách sạn có thu phí.

Tại đây vấn đề giám sát người cách ly cũng như việc chấp hành các quy định về phòng hộ cá nhân, không để xảy ra lây nhiễm giữa người cách ly và nhân viên phục vụ vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Chính vì thế ngay trong ngày 30.4 – ngày đầu tiên nghỉ lễ, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức 3 đoàn tiến hành tổng kiểm tra tất cả các khu cách ly tại khách sạn trên địa bàn TP.

Tại các khu cách ly ở khách sạn, ngành y tế TP đề nghị phải tổ chức nghiên ngặt việc phân luồng, khử trùng vật dụng cá nhân của người được cách ly trước khi di chuyển vào khách sạn, chú trọng hoạt động kiểm tra, giám sát và theo dõi sức khỏe đối với các đối tượng cách ly. Tại các khu cách ly cần có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng địa phương để đảm bảo trật tự, an toàn.

Trong đó chú ý đến việc vận động người đang cách ly tự giác tuân thủ các quy định của khu cách ly, người cách ly tuyệt đối không được tiếp xúc với nhau. Đặc biệt, các khách sạn phải truyền thông kỹ về những việc nên làm sau khi hoàn thành cách ly tập trung, khai báo với y tế địa phương khi về đến nơi cư trú, hạn chế tụ tập đông người, ghi lại nhật ký di chuyển và tiếp xúc trong suốt 14 ngày từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly tập trung, đồng thời chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm theo lịch thông báo của Trạm Y tế.

Một vấn đề khác cũng được TP đặt ra trong công tác phòng chống dịch hiện nay là việc giám sát người sau cách ly tập trung về địa phương. Có thể thấy, thời gian qua, những người sau khi hết thời gian cách ly khi về địa phương chưa tuân thủ tốt việc cách ly tại nhà, mà bệnh nhân 2899 ở Hà Nam là một minh chứng điển hình. Vì nhiều lý do khác nhau, sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày, người cách ly vẫn có nguy cơ mắc COVID-19. Do đó, cần phải có quy định những người sau cách ly phải hạn chế tiếp xúc người khác trong 14 ngày sau cách ly để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, nếu người sau cách ly mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, TP cũng đưa ra giải pháp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép; nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế; tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả…

Trong vấn đề kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép, TP chú trọng đến vai trò của tổ dân phố và các gia đình có người thân ở nước ngoài, để chủ động đưa người thân ra trình diện chính quyền địa phương nếu nhập cảnh trái phép. Công an TP phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh TP tổ chức vận chuyển, tiếp nhận, quản lý và cách ly y tế theo quy định các đối tượng nhập cảnh trái phép, trong khi chờ thực hiện các biện pháp xử lý nhập cảnh trái phép; khẩn trương thành lập và vận hành khu cách ly y tế tập trung dành riêng cho đối tượng này.

Mặc khác, UBND TP.HCM cũng yêu cầu ngành y tế phối hợp với các địa phương, đơn vị giám sát chặt chẽ những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, phát hiện sớm bệnh xâm nhập, khoanh vùng xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Những lỗ hổng mà chính quyền TP nhìn thấy trong công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua không phải mới, nhưng để xử lý triệt để, “bịt” hiệu quả những lỗ hổng trên rất cần sự chung tay, góp sức của rất nhiều tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người dân - những người quyết định đến sự thành bại trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Tìm "bịt” những lỗ hổng trong công tác chống dịch COVID-19