Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết với số liệu hiện có, đến giờ này, TP.HCM vẫn chưa xác định được khi nào là đỉnh dịch.
Số ca mắc COVID-19 hằng ngày đang tăng lên
Chiều 16.7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi có buổi gặp gỡ, trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi đánh giá sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã đạt những kết quả khá tốt. Ý thức chấp hành, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Chỉ thị 16 rất cao, là nền tảng, cơ sở rất quan trọng để triển khai thuận lợi, đạt kết quả.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM là một việc làm rất khó khăn, phức tạp. Trong thời gian qua, dù được sự đồng lòng chung sức, chung lòng của nhân dân, TP.HCM đã đạt được kết quả nhất định nhưng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, TP.HCM chưa xác định được đến khi nào kiểm soát được dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, đến giờ này, số ca mắc COVID-19 hằng ngày đang tăng lên. Cho nên với số liệu hiện có, đến giờ này, TP.HCM vẫn chưa xác định được khi nào là đỉnh dịch. Do vậy, TP.HCM vẫn tiếp tục theo dõi để có dự báo tương đối. Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM và các cấp, cũng như hệ thống chính trị các cấp đang tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, triệt để Chỉ thị 16 để đạt được kết quả cao nhất.
Một trong những nhiệm vụ TP.HCM sẽ tập trung trong thời gian tới là xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tập trung cho cách ly, thu dung điều trị F0, chuẩn bị tất cả nguồn lực điều trị F0 nặng và rất nặng để giảm tỷ lệ tử vong với các bệnh nhân COVID-19; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5.
Về việc cách ly F1 tại nhà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, ban đầu việc này thực hiện có phần lúng túng. Nhưng đến nay, từ chỗ e dè, làm chưa được nhiều, đến nay TP.HCM đã mạnh dạn hơn, con số F1 cách ly tại nhà tăng lên. Tuy nhiên, với những trường hợp không đủ điều kiện thì vẫn phải cách ly tập trung.
Sẽ giảm số ca nếu tuân thủ tốt Chỉ thị 16
Còn Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết từ ngày 9.7, khi TP thực hiện Chỉ thị 16, ngành y tế đã tiến hành phương án tầm soát trên diện rộng trên phạm vi toàn TP, do đó số ca bệnh phát hiện thời gian này sẽ tăng. Nếu người dân TP tuân thủ trên tinh thần Chỉ thị 16 thì trong thời gian tới, TP sẽ có thể khống chế được dịch bệnh, số ca mắc có xu hướng sẽ giảm.
“Mặc dù, thời gian qua số ca mắc tăng và số ca tử vong cũng gia tăng nhanh, đa số những ca tử vong xuất hiện ở người lớn tuổi, có bệnh lý nền. Tỷ lệ tử vong ở người bệnh tại TP.HCM chiếm 0,75%, ngành y tế TP đang cố gắng kéo giảm tỷ lệ này bằng cách thiết lập các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng theo mô hình tháp 4 tầng, trong đó có Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nằm ở tầng 4 để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông báo.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, TP.HCM còn hơn 6 ngày nữa kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 và chiến lược của TP.HCM có nhiều thay đổi so với trước. Công tác xét nghiệm không dàn trải mà tập trung cho những khu vực trọng điểm có nguy cơ rất cao.
Với chiến lược này, số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên, nhưng nếu làm liên tục thì số lượng sẽ giảm dần. Dù vậy, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết “Chúng tôi cũng chưa chắc chắn hết 6 ngày sẽ bóc tách hết F0 được chưa, nhưng với phương án này sẽ cơ bản bóc được các F0 đưa đi điều trị”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện F1 tại nhà và thí điểm F0 tại nhà, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tham mưu xây dựng các nội dung, ban hành các công văn hướng dẫn việc triển khai cách ly F1 tại nhà; phối hợp với Sở TT-TT và Tập đoàn viễn thông Viettel thực hiện thí điểm ứng dụng khai báo và giám sát F1 tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã tập huấn cho UBND quận huyện, phường xã, các phòng y tế, trung tâm y tế và trạm y tế về hướng dẫn cách ly F1 tại nhà và sử dụng các ứng dụng... Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp, TP đã chuyển sang chiến lược chủ động xét nghiệm diện rộng, test nhanh kháng nguyên và PCR nhằm truy vết các ca F0 trong cộng đồng.
Tất cả F0 đều được chuyển đến các bệnh viện dã chiến để điều trị. Tuy nhiên, với số lượng F0 tăng nhanh, việc điều phối đến các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được, bởi các bệnh viện dã chiến đều được tận dụng từ các khu tái định cư cần có thời gian sửa chữa, nâng cấp.