Ngày 6.7, HĐND TP.HCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường kỳ giữa năm) để thảo luận những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

TP.HCM: Việc “đắp chiếu” các công trình gây lãng phí rất lớn khiến cử tri bức xúc

Tú Viên | 06/07/2022, 19:40

Ngày 6.7, HĐND TP.HCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường kỳ giữa năm) để thảo luận những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Minh Đức nhìn nhận câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm mới đạt 19% so với kế hoạch đầu năm đề ra là rất đáng lo. TP.HCM đề ra từ đầu năm rất nhiều nội dung đầu tư nhưng đến nay đã sang tháng 7 mà kết quả mới đạt được 19%. Theo đại biểu, điều này chưa tạo được động lực thúc đẩy kích cầu đầu tư.

“Nếu cứ đà này, nhiều dự án được đề xuất, được dự trù kinh phí nhưng không làm được, gây bức xúc lớn trong nhân dân”, ông Đức nhận xét và kiến nghị trong thời gian còn lại, UBND TP.HCM cần tăng cường điều hành, chỉ đạo để kết quả giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn.

c2c109db2bd294fb373f2861b0e03593.jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: TTBC

Trong khi đó, các dự án đầu tư giao thông, có cải thiện nhưng mức độ chưa cao. Nhiều dự án đầu tư nhưng “đắp chiếu” quá lâu, ví dụ dự án cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức) treo gần 5 năm nay.

Ông Đức nhận xét việc “đắp chiếu” các công trình gây lãng phí rất lớn, theo thời gian các công trình bị bào mòn, xuống cấp khiến cử tri bức xúc. Đại biểu kỳ vọng UBND TP.HCM rà soát, tháo gỡ để đẩy nhanh xây dựng công trình hạ tầng giao thông.

Đại biểu Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho rằng, hiện có tình trạng đất nông nghiệp thà bỏ hoang hóa cho cỏ mọc nhưng người dân đụng vào không được. Qua đó, đại biểu đề xuất cần phải phải giám sát sâu về công tác quản lý quy hoạch; giám sát giải ngân đầu tư công cũng như giám sát các dự án tồn đọng kéo dài để tìm nguyên nhân. Đại biểu cho rằng, lãng phí từ dự án tồn đọng gấp nhiều lần tham nhũng.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm cũng trăn trở một câu chuyện mà hơn 20 năm nay, huyện Cần Giờ vẫn chưa tháo gỡ được, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của người dân rất lớn. Cụ thể ở cù lao Phú Lợi (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) hiện nay đang vướng đến câu chuyện pháp lý liên quan đến quy hoạch ranh rừng phòng hộ.

Các cơ quan hành chính, trường học… đều nằm trong ranh rừng phòng hộ. Quy hoạch sử dụng đất thì không có cù lao Phú Lợi. Cho nên người dân ở đây cầm giấy quyền sử dụng đất trong tay nhưng không làm gì được, kể cả xin phép sửa chữa, xây dựng nhà cửa. Người dân mua bán, tặng cho cũng không được do vướng ranh rừng phòng hộ.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm mong Ban Pháp chế của HĐND TP.HCM rà soát lại các pháp lý có liên quan, để các sở ngành có tham mưu cho UBND TP.HCM tháo gỡ.

“Người dân đã sinh sống ở đây từ trước khi chúng ta quy định ranh rừng phòng hộ. Ranh rừng phòng chúng ta mới xác định sau này. Tại sao chúng ta lại xác định khu dân cư nằm trong ranh rừng phòng hộ luôn?”, bà Cẩm thắc mắc.

Đại biểu cũng thông tin, TP.HCM cho chủ trương huyện Cần Giờ thực hiện 8 khu tái định cư để di dời người dân sống ven sông, ven biển. Trong đó, hiện nay huyện Cần Giờ đã đầu tư triển khai thực hiện được 5 khu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Hiện còn 3 khu đang vướng nhiều thủ tục. Các sở ngành của TP.HCM cũng chưa có giải pháp tháo gỡ dẫn đến kéo dài nhiều năm qua.

Từ đó, đại biểu kiến nghị HĐND TP.HCM đề nghị Thành ủy TP.HCM có một quyết sách chính trị để tháo gỡ. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sai sót. Cái sai này kéo dài dẫn đến dự án không thực hiện được, điều này chỉ làm cho người dân khổ. Người dân ở trong 3 khu này không thể xây nhà, sửa chữa, bởi không có giấy tờ. Trong khi những nơi này cũng không có cơ sở pháp lý để đầu tư hạ tầng, dẫn đến điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Diệu phản ánh về các khu tái định cư trên địa bàn huyện còn chậm thực hiện. Đơn cử như khu tái định cư Khu công nghiệp Tây Bắc tại xã Tân An Hội, 19 năm người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có đèn chiếu sáng, không có nước sạch khiến đời sống người dân khó khăn. Huyện đã gửi công văn lên các sở nhưng đến nay chưa được trả lời.

Kỳ họp lần thứ 6 HĐND TP.HCM dự kiến diễn ra trong 3 ngày (6-8.7), HĐND thành phố nghe UBND TP.HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 4 đến trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X; các tờ trình của UBND TP.HCM.

Trong ngày đầu kỳ họp, Thường trực HĐND TP.HCM báo cáo đánh giá việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của UBND TP.HCM; tờ trình về chương trình hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM năm 2023.

Bài liên quan
Ngành điện miền Nam năm 2024 ghi dấu ấn trên những công trình trọng điểm
Năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đóng điện, đưa vào vận hành 78 công trình lưới điện 110kV, trong đó 13 công trình chuyển tiếp, 3 công trình cải tạo; và đóng điện 583 công trình trung, hạ thế trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn quản lý. Đây cũng là những thành tích mà EVNSPC chào mừng 70 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam (21.12.1954-21.12.2024), hướng đến kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển EVNSPC (30.4.1975-30.4.2025).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
38 phút trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Việc “đắp chiếu” các công trình gây lãng phí rất lớn khiến cử tri bức xúc