Dù bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc bệnh ghi nhận trong nhiều tuần qua đã giảm, nhưng lại xuất hiện nhiều trường hợp bị bệnh nặng, trong đó có những trường hợp nguy kịch phải thở máy và lọc máu liên tục.

TP.HCM: Xuất hiện nhiều trẻ mắc tay chân miệng nguy kịch

14/11/2018, 18:25

Dù bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc bệnh ghi nhận trong nhiều tuần qua đã giảm, nhưng lại xuất hiện nhiều trường hợp bị bệnh nặng, trong đó có những trường hợp nguy kịch phải thở máy và lọc máu liên tục.

Trẻ bị tay chân miệng nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV

Theo Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM trong thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM có xu hướng giảm. Trong tuần qua số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chỉ có 169 trường hợp, giảm đến 129 trường hợp so với tuần trước.

Như vậy trong 5 tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận trên địa bàn TP liên tục giảm, từ 462 ca mắc tay chân miệng ở tuần thứ 41 thì đến tuần 42 giảm xuống còn 388 ca và giảm dần đến tuần 45 vừa qua chỉ còn 169 ca/tuần.

Tuy nhiên điều đáng nói, trong những tuần qua xuất hiện nhiều trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng, đang điều trị trong tình trạng nguy kịch.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có nhiều trường hợp mắc tay chân miệng độ 3, độ 4 trong tình trạng khá nặng, thậm chí có những trường hợp bị biến chứng thở máy và lọc máu liên tục.

Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) hiện có 2 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch.

PSG.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cả 2 trường hợp trên đều bị bệnh tay chân miệng độ 4 - độ nặng nhất gây biến chứng thần kinh, hô hấp và tim mạch.

Trong đó bé trai N.T.T. (2 tuổi, quê Cần Thơ) được chuyển đến bệnh viện vào trưa 10.11 từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé trai này bị biến chứng thần kinh, hô hấp và tim mạch khá nặng.

Tương tự bé trai Đ.T.C. (2 tuổi, quê Cà Mau) được chuyển đến vào sáng 6.11 từ Bệnh viện sản nhi Cà Mau sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1. Tình trạng của bé C. cũng giống như bệnh nhi trên, mạch rất nhanh do tổn thương huyết động học.

Một bé trai mắc bệnh tay chân miệng rất nặng, sau nhiều ngày lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch... nhưng hiện vẫn còn đang phải thở máy - Ảnh: PV

Theo người nhà của bệnh nhi C. trước đó khoảng 3 ngày, bé trai này bị sốt, nổi hồng ban ở tay, chân và giật mình, bé được gia đình chuyển đến Bệnh viện huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) sau đó được chuyển đến Bệnh viện sản nhi Cà Mau.

Tại đây tình trạng của bệnh nhi này ngày càng nặng, có diễn biến xấu, bệnh nhi bị biến chứng thần kinh, hô hấp và tim mạch. Các bác sĩ ở đây tiến hành đặt nội khí quản và sử dụng các thuốc trợ tim; đồng thời tiến hành hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại cuộc hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận thấy tình trạng huyết động học của bé C. không ổn định, tiên lượng có khả năng nặng thêm nên đề nghị chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.

“Cả 2 bệnh nhi trên đều được chúng tôi cho thở máy, truyền IVIg - một loại thuốc điều trị tay chân miệng, sử dụng thuốc vận mạch và tiến hành lọc máu. Sau nhiều ngày lọc máu liên tục, tình trạng huyết động học của bé C. đã ổn định. Đến chiều nay (14.11) bệnh nhi C. đã cai máy thở, chỉ còn thở o xy. Riêng bệnh nhi T. tình trạng huyết động học cũng đã ổn định, chúng tôi bắt đầu cho bé tự tập thở. Dự kiến một vài ngày nữa sẽ cho bệnh nhi này cai máy thở”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Theo bác sĩ Quang, dù cả 2 bé đã vượt qua cơn nguy kịch, nhưng khả năng để lại di chứng là khá cao. Hiện bé C. đang có dấu hiệu rối loạn phản xạ nuốt, các bác sĩ đang tiến hành tập vật lý trị liệu và theo dõi sự tiến triển. Riêng bé T. thì chưa thể nói trước được điều gì, vì hiện tại bé vẫn chưa cai máy. Sau khi cai máy mới có thể khám thần kinh để đánh giá di chứng.

Bác sĩ Quang cho rằng dù hiện nay tình hình bệnh tay chân miệng giảm xuống so với lúc cao điểm vào đầu tháng 9.2018, nhưng bệnh nặng vẫn còn nhiều. Hiện ở các tỉnh số ca nặng đang rất nhiều, người dân không nên chủ quan.

“Hiện bệnh tay chân miệng vẫn còn, nhất là những ca nặng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các bậc phụ huynh cũng như các bác sĩ cần chú ý để kịp thời phát hiện bệnh tay chân miệng nhằm điều trị kịp thời ”, bác sĩ Quang khuyến cáo.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Xuất hiện nhiều trẻ mắc tay chân miệng nguy kịch