Ngày 9.9, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi Phòng GD-ĐT 24 quận, huyện về việc hướng dẫn trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Căn cứ công văn ngày 4.9 của Bộ GD-ĐT về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT triển khai cho các trường tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh và học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹthuật và 1 môn học tự chọn là môn Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh). Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại nhà trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.
Ngày8.9,Bộ GD-ĐT cũng đã cóvăn bản gửi giám đốc các sở GD-ĐTyêu cầu tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐTcũng yêu cầu các sở GD-ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo về Bộ trước ngày 20.9.
Trước đó, một phụ huynh ở Trường tiểu học An Phong, Q.8, TP.HCM đưa ra bảng liệt kê 23 đầu sách lớp 1, có giá 807.000đ/bộ.Thực tế, ngoài sách giáo khoa, phụ huynh còn được các trường giới thiệu mua vở bài tập, bộ đồ dùng học tập các loại. Sau đó, hiệu trưởng Trường tiểu học An Phong thừa nhận trường đã làm sai khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, gây hiểu lầm với phụ huynh.
Hôm 8.9, Phòng GD-ĐT Q.8 đã phê bình hiệu trưởng Trường tiểu học An Phong vì đã “công khai không rõ ràng” khi thực hiện bán sách giáo khoa cho phụ huynh, dễ gây hiểu nhầm. Phòng GD-ĐT Q.8 sau đó đã yêu cầu trường tách bạch giữa sách giáo khoa và tài liệu bổ trợ, tham khảo để phụ huynh nắm thông tin và đăng ký mua theo nhu cầu, không nhập 2 loại này thành một danh sách như trước đó.
Tường Anh