Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sự kiện TQ phá giá đồng NDT chỉ là ngòi nổ của quả bom “lòng tin” vốn dĩ đã lung lay từ lâu về nền kinh tế Trung Quốc, còn nền kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015.
Theo đó, nhận định về thị trường tài chính quốc tế, UBGSTCQG cho rằng, thị trường tài chính quốc tế đã hứng chịu một cơn chấn động lớn sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT).
Cụ thể, đồng NDT (theo giá thị trường) mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 tháng 8, cao hơn mức mất giá 2,4% của cả năm 2014.
Việc mất giá NDT đã dẫn đến đồng tiền 8 nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Phillipine, Malaysia, Thái Lan và Indonesia mất giá trung bình 1,7% ngay trong tuần thứ 2 và 1,2% trong tuần tiếp theo (tổng cộng là 2,9%). Tuy nhiên, đồng Euro và Yên Nhật vẫn giữ ổn định.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, cho tới ngày 26.8.2015, thị trường chứng khoán mất 43,3% kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 12.6.2015. Trong vòng hai tháng, giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 5.000 tỷ USD.
Trước những bất ổn về tình hình tài chính, dòng vốn đầu tư chứng khoán đang có dấu hiệu chảy từ thị trường mới nổi sang châu Âu. Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, tổng số vốn chảy ra khỏi những thị trường mới nổi đã lên đến 17 tỷ USD, chiếm hơn 50% trên tổng số 29,4 tỷ USD vốn bị rút kể từ đầu năm nay .
Trong khi đó, chứng khoán Châu Âu cũng đón nhận 83,5 tỷ USD chảy vào thị trường này. Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc đã lên đến 190 tỷ USD trong 7 tuần qua khiến thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cạn kiệt và đẩy lãi suất Shibor tăng tổng cộng 30 điểm cơ bản trong 10 phiên giao dịch gần nhất, báo hiệu sự căng thẳng trên thị trường.
"Việc điều chỉnh tỷ giá NDT thực chất chỉ là ngòi nổ của quả bom “lòng tin” vốn dĩ đã lung lay từ lâu về nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường quốc tế bao gồm cả các nhà đầu tư và các nhà kinh tế lâu nay vẫn ngờ vực về số liệu thống kê của Trung Quốc", UBGSTCQG nhận định.
Cũng theo UBGSTCQG, một số đánh giá cho rằng kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 6,2%-6,3% so với 7% Chính phủ công bố.
Chính vì vậy, thị trường đã phản ứng rất tiêu cực trước động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và e ngại Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Những người theo quan điểm này dự báo NDT sẽ tiếp tục giảm giá mạnh.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng kinh tế Trung Quốc tuy chậm lại đáng kể nhưng vẫn còn khá vững chắc và dự trữ của Trung Quốc còn rất lớn đủ sức để đối phó với biến động trên thị trường, chưa thể rơi vào khủng hoảng.
Hơn nữa Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải tính tới nhu cầu ổn định thị trường tài chính Trung Quốc (tránh để xảy ra tình trạng vốn tháo chạy quá lớn khỏi Trung Quốc), cũng như nhu cầu ổn định thị trường tài chính toàn cầu.
Bởi vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ không phá giá NDT nhiều hơn nữa. Các nhà đầu tư trên thị trường thời gian qua có thể đã phản ứng thái quá, đẩy thị trường trượt dốc quá mạnh.
Quan điểm này cho rằng thị trường dự báo sẽ ổn định trở lại về mặt kỹ thuật và sẽ khó có thể giảm sâu hơn nữa.
Kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều
Trên cơ sở phân tích thị trường tài chính quốc tế và sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT, UBGSTCQG cho rằng, NHNN đã chủ động nới biên độ tỷ giá lên 2% ngay trong tuần và lên 3%, cùng với điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1% trong tuần tiếp theo là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường.
Theo đó, tỷ giá thị trường chính thức đã tăng 3%. Mức tăng trên bằng với mức mất giá của Nhân dân tệ cũng như mức mất giá trung bình của đồng tiền 8 nước châu Á trong tháng 8.
Cơ quan này cho rằng với mức độ điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm không bị phá giá mạnh hơn nữa thì thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam sẽ không trực tiếp ảnh hưởng nhiều.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%) tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô.
Vấn đề là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ra sao, số liệu thống kê của Trung Quốc và cam kết của Chính phủ Trung Quốc có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường. Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội.
UBGSTCQG cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp.
Duyên Duyên