Với mức phí tham quan toàn đảo Lý Sơn là 100 ngàn đồng/người/lượt, nhiều dư luận trái chiều đang tranh luận quanh nghị quyết này của HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay phía chính quyền vẫn chưa thống nhất về phương thức thu.

Trả phí tham quan đảo Lý Sơn: Vẫn chưa thống nhất cách thu

Lê Đình Dũng | 15/07/2019, 17:17

Với mức phí tham quan toàn đảo Lý Sơn là 100 ngàn đồng/người/lượt, nhiều dư luận trái chiều đang tranh luận quanh nghị quyết này của HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay phía chính quyền vẫn chưa thống nhất về phương thức thu.

Nghị quyết ban hành, cách thu chưa có

Tại kỳ họp thứ 15 diễn ra vào sáng 10.7, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Theo đó, phí tham quan là 70.000 đồng/người/lượt khi đến đảo Lớn và 30.000 đồng/người/lượt khi tham quan tại đảo Bé.

Theo nội dung tờ tình, các đối tượng được miễn phí theo nghị quyết này gồm trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người dân huyện Lý Sơn (có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống tại Lý Sơn), người đang công tác và làm việc trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Đảo Bé, Lý Sơn

Việc thông qua nghị quyết này của HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có luồng ý kiến ủng hộ; tuy nhiên cũng có nhữngý kiến cho rằng việc triển khai thu phí sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến với đảo, việc triển khai thu sẽ ảnh hưởng đến những người là con em Lý Sơn đang công tác, sinh sống xa quê…

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: “Theo nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, giao UBND tỉnh chỉ đạocác sở ngành chức năng của tỉnhvà huyện Lý Sơn bànphương thức thu cụ thể, nhưng hiện nay chưa có ý kiến chỉ đạocủa UBND tỉnh. Việc thu phí cần phải có phương thức thu phù hợp".

“Trước khi trình UBND tỉnh để trình ra HĐND biểu quyết thì chúng tôi đã có xây dựng phương án thu nhưng do HĐND tỉnh chưa thống nhất toàn bộ phương án ấynên hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu”.

“Mục đích của việc thu phí là mong có sự đóng góp của du khách để đầu tư xây dựng hạ tầng về du lịch, tôn tạo di tích, xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước phục vụ khách du lịch và người dân vì nguồn kinh phí ngân sách của địa phương không đủ. Huyện sẽ tích cực quản lý sử dụng đúng mục đích nguồn thu phí”, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn nói.

Cần tổ chức triển khai thực hiện cho đúng đắn và công bằng

Liên quan việc HĐND tỉnh Quảng Ngãi ra nghị quyết thu phí khách tham quan đảo Lý Sơn, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng: “Việc thu phí đối với du khách tham quan thắng cảnh hiện nay cần được xem xét có phù hợp với Luật Phí, lệ phí năm 2015 hay không; bởi lẽ phí là khoản thu để bù đắp cho chi phí mà cơ quan nhà nước bỏ ra để chi cho dịch vụ công cung cấp cho người dân sử dụng dịch vụ công. Vậy giá trị thắng cảnh như biển đảo tự nhiên là tài sản chung của quốc gia nó là giá trị thiên nhiên chung thì có phải là một dịch vụ công để thu phí hay không?”.

“Nếu ở các công trình văn hóa, công trình lịch sử mà cần có sự đầu tư của con người vật lực để gìn giữ duy trì, thu một khoản phí để bù đắp cho chi phí bỏ ra thì được, còn nếu người dân bước chân ra một hòn đảo mà chặn họ lấy phí thì rõ ràng khó thuyết phục. Chúng ta có các cơ chế khác nhau để bảo vệ môi trường bằng pháp luật, chúng ta có các nguồn thu từ thuế của hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch ở đảo là nguồn thu lớn để đầu tư lại cho đảo. Còn nếu người dân ra ngắm biển ngắm trời mà phải bỏ tiền ra thì khắp nơi như Đà Lạt, Hạ Long, Phú Quốc... cứ đến ngắm cảnh phải trả tiền thì sẽ bóp ngạt du lịch”.

“Các nguồn thu từ thuế thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ cho du khách mới là nguồn thu cần quan tâm để kích hoạt các điểm du lịch phát triển hơn. Nếu thu phí khô cứng mà không đúng bản chất của phí sẽ dễ làm du khách nản lòng. Tư duy lập chốt thu tiền sẽ luôn là kiểu tư duy cấm cản, hạn chế phát triển”, luật sư Cao bình luận.

Cách thức thu phí và triển khai thực hiện là câu chuyện đáng bàn

Bình luận với Một Thế Giới về nghị quyết này, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Ủy viênỦy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng cho hay ông ủng hộ quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa rồi nhưng cũng kiếnnghị phía chính quyền phải quan tâm nghiên cứu phương thức quản lý khi triển khai việc thu phí này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phân tích: “Người ta đang nhìn chủ thể Lý Sơn với tư cách là một huyện đảo; nhưng đặc điểm tình hình của Lý Sơn thực tế là một chủ thể với 3 yếu tố: vừa là huyện đảo tiền tiêu, vừa là danh lam thắng cảnh, thứ ba nữa nó là nơi có nhiều di tích lịch sử quốc gia có giá trị”.

“Về di tích lịch sử thì địa phương phải có trách nhiệm bảo tồn, duy trì. Và đối với danh lam thắng cảnh tự nhiên được công nhận thì cũng phải có kế hoạch để bảo tồn, bảo vệ và phát huy. Vì thế, nhìn theo 3 yếu tố trong một chủ thể như đảo Lý Sơn thì nó là cần thiết để có kinh phí thực hiện, thứ hai là nhiệm vụ bảo tồn, thứ ba là thông qua đó để thực hiện việc quản lý nhà nước về việc kiểm soát lượng du khách ra đảo tiền tiêu, bảo đảm an ninh quốc phòng”.

“Do đó, nên ủng hộ cho Quảng Ngãi làm việc thu phí đó. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tổ chức triển khai thực hiện cho đúng đắn và công bằng như tinh thần nghị quyết của HĐND, đó mới là câu chuyện”, ông Sơn nói.

“Bây giờ du khách thì dễ kiểm soát được; cán bộ, chiến sĩcũng dễ. Nhưng làm sao việc đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân ở huyện đảo; đặc biệt họ là người ở đó đi làm ăn chỗ này chỗ khác hằng tuần đi đi về về thì làm sao đừng để ảnh hưởng đến quyền và các lợi ích của người dân huyện đảo”.

“Cái làm cho dư luận không bằng lòng và dễ gây ra bức xúc là nằm ở khâu tổ chức triển khai thực hiện là chính. Nên liên quan đến Lý Sơn, quan điểm của tôi là ủng hộ quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa rồi. Cái thứ hai là Lý Sơn cũng phải quan tâm nghiên cứu phương thức quản lý khi triển khai việc thu phí này”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn góp ý.

Lý Sơn là huyện đảo phía đông bắc bờ biển Quảng Ngãi bao gồm các đảo: hòn Lớn, hòn Bé và hòn Mù Cu nằm cách đất liền 15 hải lý. Đảo có diện tích tự nhiên khoảng 10,32km2, dân số hơn 22 ngàn người (theo thống kê năm 2018). Huyện Lý Sơn có 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, ngư nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn có 24 di tích được xếp hạng trong đó có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa) với nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo.

>>Đề nghị quy hoạch Lý Sơn thành khu du lịch quốc gia

>> Chuẩn bị thu phí khách lên đảo Lý Sơn

>> Dự án lấn biển Lý Sơn: Được thì cho chủ trương, không được thì thôi nghỉ

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả phí tham quan đảo Lý Sơn: Vẫn chưa thống nhất cách thu