Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trách nhiệm chủ nợ thế nào khi công ty đòi nợ cư xử như xã hội đen?

12/09/2018, 17:56

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

VCCI góp ý về dự thảo Nghị định kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Ảnh minh họa

Công ty đòi nợ cư xử như xã hội đen

Theo VCCI, dự thảo đã bỏ quy định “trách nhiệm, quyền hạn của chủ nợ và khách nợ: không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật”.

Lý do là trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện đòi nợ bằng các hành vi cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực… gây mất an ninh, trật tự xã hội. Do đó, trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật.

VCCI cho rằng việc bỏ quy định với lý do trên dường như chưa hợp lý. Từ góc độ pháp lý, trong hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ, doanh nghiệp đòi nợ bằng nghiệp vụ sẽ đòi các khoản nợ cho khách hàng của mình và được hưởng phí đòi nợ. Đây được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ.

Tương tự như các hoạt động cung cấp dịch vụ khác, doanh nghiệp đòi nợ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình.

Về phía chủ nợ, với tư cách là khách hàng của doanh nghiệp đòi nợ, chủ nợ có quyền được nhận về khoản nợ đòi được và có nghĩa vụ phải trả phí cho doanh nghiệp đòi nợ. Nói cách khác, về mặt pháp lý, trong quan hệ này, chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện dịch vụ mà doanh nghiệp đòi nợ thực hiện.

Trên thực tế có thể xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu/hướng dẫn/khuyến khích doanh nghiệp đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp (đe dọa, sử dụng vũ lực…) để đòi nợ. Mặc dù vậy, ngay cả khi xảy ra tình huống như vậy, về mặt pháp luật, doanh nghiệp đòi nợ không được và cũng không thể chấp nhận các yêu cầu này, bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật,

Nói cách khác, chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ, nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, trường hợp doanh nghiệp đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì doanh nghiệp vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.

Hơn nữa, bản thân Tờ trình cũng đã khẳng định về tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đòi nợ, đó là “trên phương diện kinh doanh, kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như hoạt động kinh doanh thông thường khác, tự chủ về hoạt động và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của mình”.

Chủ nợ - với tư cách là khách hàng, sẽ không phải chịu trách nhiệm với bên cung cấp dịch vụ, bởi về mặt nguyên tắc, họ không thể kiểm soát/can thiệp được các hoạt động của bên cung cấp dịch vụ. Từ góc độ thực tiễn, nếu gắn trách nhiệm của khách hàng với bên cung cấp dịch vụ, thì sẽ không có khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ đòi nợ, vì nhiều trường hợp sẽ phải chịu thiệt hại đối với những hoạt động của bên đòi nợ.

Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, VCCI đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 9 Điều 8 Nghị định 104, tức là “khách nợ và chủ nợ: không chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật”.

Không cần đáp ứng vốn pháp định

Theo Tờ trình, “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm trên phương diện an ninh, trật tự do các sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ hiện nay là các sai phạm về an ninh, trật tự.

VCCI cho rằng, trên phương diện kinh doanh, kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như hoạt động kinh doanh thông thường khác, tự chủ về hoạt động và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của mình”. Yếu tố quan trọng nhất tác động đến lợi ích công cộng, cần phải quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ là “an ninh, trật tự”.

Tuy nhiên hiện tại, ngành nghề này được xác định là ngành nghề phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Như vậy, yếu tố tác động đến “an ninh, trật tự”, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm đối với ngành nghề này, đã được kiểm soát thông qua Giấy chứng nhận nói trên.

Do đó cần đánh giá lại các điều kiện kinh doanh đang thiết kế đối với ngành, nghề dịch vụ đòi nợ ở Nghị định này trong bối cảnh nói trên để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, điều kiện về vốn của hoạt động kinh doanh này là chưa phù hợp với mục tiêu khi quy định về điều kiện kinh doanh. “Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng”.

Mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ.

Đối với mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự (vấn đề đang được xem là cơ bản, cần phải quản lý đối với hoạt động kinh doanh này), chưa có bằng chứng nào rõ ràng về việc những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẽ đảm bảo tuân thủ pháp luật về an ninh trật tự hơn là các doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế.

Dự thảo kế thừa quy định tại Nghị định 104 về việc quy định điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, VCCI cho rằng việc đặt điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh trong Nghị định này có lẽ là không cần thiết, chồng lấn với quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm chủ nợ thế nào khi công ty đòi nợ cư xử như xã hội đen?