Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

VCCI phản đối quy định ngân hàng cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế

06/09/2018, 12:00

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

VCCI góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Chưa đảm bảo tính minh bạch

Dự thảo hiện quy định ngân hàng thương mại (NHTM) có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.

Quy định này VCCI cho rằng chưa bảo đảm tính minh bạch, ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng trên thực tế có thể rất tùy tiện.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

“Không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin mã số thuế khách hàng trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi người hợp khách hàng của NHTM cũng có mã số thuế, do đó yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi”, VCCI nêu.

Tương tự với khoản 3 điều 100: ”Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”. Cần có giới hạn cụ thể các loại thông tin này.

Về quy định phải ”Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”, VCCI đề xuất ban soạn thảo bổ sung các trường hợp mà các ngân hàng thương mại được loại trừ trách nhiệm, thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.

VCCI cũng đề xuất chỉnh sửa quy định “trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh nhưng người nộp thuế không nộp thuế, tiền chậm nộp…đúng thời hạn quy định thì NHTM là đơn vị bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thuế… đúng thời hạn quy định thay cho người nộp thuế”.

Theo đó, xuất phát từ nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu yêu cầu thực hiện bảo lãnh nằm trong thời hạn thực hiện bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh; số tiền bảo lãnh nằm trong số tiền bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh.

Do vậy, VCCI đề xuất ban soạn thảo xem xét và chỉnh sửa để thể hiện đúng bản chất của bảo lãnh thuế - dưới góc độ là nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng, theo hướng NHTM bảo lãnh trong phạm vi hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời cơ quan thuế phải thông báo cho ngân hàng để ngân hàng biết và đối chiếu với chứng thư bảo lãnh đã cấp để thực hiện, hoặc có giải trình phù hợp với khách hàng.

Giảm việc kéo dài thời gian thanh tra

Bên cạnh đó, theo VCCI, những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (Điều 6 Dự thảo) cần được làm rõ thêm. Đó là định nghĩa về “gây phiền hà, sách nhiễu” đối với người nộp thuế trong quy định tại khoản 2 Điều 6 để người nộp thuế có cơ sở rõ ràng xác định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm. Từ đó có biện pháp thu thập bằng chứng về hành vi này và báo với các cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù thực tế vẫn chưa rõ phương thức thông báo, người có thẩm quyền và cách thức giải quyết nếu người nộp thuế gặp trường hợp này như thế nào.

Góp ý về quyền của người nộp thuế, VCCI cho biết, thực tế cho thấy nhiều cơ quan kiểm tra không giải thích căn cứ ấn định thuế, dẫn đến việc doanh nghiệp có tính theo đúng phương pháp mà cơ quan thuế tính vẫn không ra được đúng con số như cơ quan thuế ấn định. Điều này dẫn đến tâm lý bức xúc của người nộp thuế. Do đó, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quyền được giải thích “căn cứ ấn định thuế” vào Khoản 2 Điều 18 của Dự thảo.

Theo VCCI, quy định “yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế…” bất cập ở chỗ, trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ tài liệu theo quy định nhưng cơ quan thuế không hỏi các thông tin liên quan đến báo cáo mà thay vào đó yêu cầu cung cấp một số tài liệu liên quan đến sổ sách kế toán theo mục đích kế toán Việt Nam. Trong khi hệ thống quản trị nội bộ không yêu cầu doanh nghiệp phải theo dõi các thông tin này.

Vì vậy, đề nghị sửa quy định này theo hướng: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan (theo yêu cầu báo cáo và lưu trữ của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành)…”

Về thời hạn thanh tra thuế, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài (có trường hợp đến vài tháng), gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn phải bố trí cán bộ, nguồn lực để cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra, thực tế có nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn thời hạn nhiều lần.

Chính vì vậy, mục tiêu của sửa đổi lần này cần giải quyết được vấn đề trên, giảm tối đa các trường hợp kéo dài thời hạn thanh tra, cần đưa ra được các tiêu chí chặt chẽ để gia hạn thanh tra. Tương tự như vậy với quy định về tạm dừng, tạm hoãn thanh tra. Hiện tại Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định các căn cứ tạm hoãn, tạm dừng thanh tra.

Ngoài ra, có doanh nghiệp cho rằng hiện tại Luật Quản lý thuế chưa quy định thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra nếu doanh nghiệp không nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế. Để tránh trường hợp doanh nghiệp không được kiểm tra, thanh tra trong thời gian dài (5-10 năm hoặc lâu hơn), đề nghị bổ sung quy định về thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra cho doanh nghiệp. Nếu để quá lâu thì chứng từ, tài liệu tồn quá nhiều, cần thuê kho lưu trữ phức tap và tốn kém, nhiều chứng từ quá thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI phản đối quy định ngân hàng cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế