Dù đáng buồn, vẫn phải nói, các tranh luận liên quan đến chính trị - xã hội là những tranh luận thiếu văn hóa nhất nếu để các ý kiến, nhận xét được tự do phơi bày ra. Nhiều trao đổi cho thấy chúng chỉ là những cố gắng dùng từ nặng nề, thô tục nhất mà các bên dành cho nhau.

Tranh luận và văn hóa tranh luận

31/12/2017, 13:45

Dù đáng buồn, vẫn phải nói, các tranh luận liên quan đến chính trị - xã hội là những tranh luận thiếu văn hóa nhất nếu để các ý kiến, nhận xét được tự do phơi bày ra. Nhiều trao đổi cho thấy chúng chỉ là những cố gắng dùng từ nặng nề, thô tục nhất mà các bên dành cho nhau.

Tranh luận rất cần có văn hóa - Nguồn: Internet

Chẳng phải sự khác biệt chia rẽ chúng ta, mà chính sự không có khả năng nhận biết, chấp nhận và đề cao sự khác biệt chia rẽ chúng ta (Audre Lorde).

Lướt qua nội quy của một số nhóm (group) Facebook, nhận thấy phần lớn các quản trị viên các nhóm thường ra điều kiện tham gia với các thành viên là không đăng bài, ý kiến hay bình luận (post/comment) những nội dung liên quan đến chính trị, và tôn giáo (ít phổ biến hơn). Khi đã đảm bảo các chủ đề “miễn nhiễm” với chính trị rồi, thì những nhắc nhở về văn hóa trao đổi như không dùng ngôn từ thô tục, thóa mạ, công kích cá nhân… được đề cập.

Thật khó hình dung, khi bàn về những thứ trong đời sống kinh tế xã hội, như học hành của con cái, an toàn thực phẩm, giáo dục, y tế nói chung, chi phí sinh hoạt, giao thông, thậm chí những vấn đề ít đụng chạm như âm nhạc, du lịch…làm sao không bàn đến trách nhiệm công dân, chính quyền, hay không bàn đến chính trị được?!

Có phải vì quá e ngại/sợ đụng chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” nên các quản trị nhóm, các nhóm không nhận ra rằng chính văn hóa trao đổi/tranh luận - mà trong đó chấp nhận ý kiến khác biệt là cốt lõi - chứ không phải lĩnh vực hay chủ đề tranh luận mới là vấn đề cần chấn chỉnh? Hay nói cách khác, vô tình hay hữu ý họ không thấy rằng chính văn hóa mới là cơ sở cho sự thành công, văn minh trong tranh luận chứ không phải việc tranh luận chủ đề, lĩnh vực nào. Vì nếu thiếu văn hóa tranh luận, không chấp nhận sự khác biệt thì các cuộc tranh luận mọi đề tài, lĩnh vực đều thất bại chứ không riêng gì chính trị hay tôn giáo.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, điều gì khiến các nhóm lo ngại từ đó dẫn đến nói không với các chủ đề chính trị? Ngại “chạm” đến “chính trị” hay do “văn hóa tranh luận”?

Trước hết chúng tôi cho rằng hai khía cạnh trên thật ra có liên quan với nhau, thậm chí là quan hệ nhân quả.

Với quan sát cùng một chút phân tích, ta có thể nhận ra rằng khi các nhóm đặt điều kiện không chia sẻ những vấn đề chính trị tôn giáo, không hẳn vì họ ngại đụng chạm chính quyền mà vì chính họ nhận thấy (hay bị ám ảnh) rằng các tranh luận về chính trị hay tôn giáo có khả năng dẫn đến những xung đột cá nhân, vượt quá những chuẩn mực tối thiểu của việc sử dụng ngôn từ, hay nói thẳng là chửi bới và thô tục… rồi tranh luận cũng sẽ thất bại. Như vậy, vấn đề chính là nằm ở văn hóa tranh luận! Nhưng, tại sao tranh luận các vấn đề khác lại không hay ít gặp đổ vỡ do thiếu văn hóa, cụ thể là do chửi bới, ngôn từ thô tục, tấn công cá nhân, mà khi tranh luận liên quan đến chính trị lại gặp? Vấn đề thú vị nằm ở chỗ này.

Nếu có một thống kê chính thức bên ngoài các nhóm/group riêng, không khó nhận ra rằng trên mạng xã hội (MXH) những tranh cãi kiểu chửi bới, thóa mạ nhau với nhiều cấp độ, kể cả những cấp độ “không tưởng tượng nổi” thường xuất hiện ở các trao đổi, bài viết về chính trị, về các nhân vật chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ. Điều này khiến cho người điều hành các nhóm lo ngại có thể xảy ra ở nhóm mình cũng là điều dễ hiểu. Cho nên dù đáng buồn, vẫn phải nói, các tranh luận liên quan đến chính trị Việt Nam là những tranh luận thiếu văn hóa nhất nếu để các ý kiến, nhận xét được tự do phơi bày ra. Nhiều trao đổi cho thấy chúng chỉ là những cố gắng dùng từ nặng nề, thô tục nhất của các bên dành cho nhau mà thôi. Vấn đề đặt ra là tại sao việc đáng buồn hay thiếu văn hóa tranh luận lại xuất hiện nhiều (thường xuyên) ở các cuộc tranh luận về chính trị Việt Nam hơn là ở các tranh luận về chủ đề khác?

Như trên có nói, “chủ đề tranh luận” và “văn hóa tranh luận” có thể liên quan với nhau. Cụ thể, chính mức độ “chấp nhận sự khác biệt” của văn hóa tranh luận là khác nhau trong các chủ đề tranh luận. Đối với các tranh luận trong lĩnh vực chính trị, mức chấp nhận/tôn trọng quan điểm khác biệt của nhau là thấp nhất (chắc không khó giải thích trong trường hợp Việt Nam). Từ đó việc tranh luận các vấn đề về chính trị là dễ đổ vỡ nhất. Khi một bên luôn cho rằng quan điểm của mình là duy nhất đúng thì (bên kia) hoặc chọn giải pháp im lặng, hoặc chửi bới tấn công cá nhân nhau cũng dễ hiểu. Các quản trị nhóm yêu cầu tránh tranh luận về chủ đề chính trị có lẽ cũng giống như việc chọn giải pháp im lặng trong tranh luận nhằm tránh khả năng (rất cao) việc chửi bới nhau vậy – chứ không hẳn do họ ngại đụng đến chủ đề cụ thể nào. Mà như vậy các nhóm đã đánh mất đi sự thú vị và cả sự chân thành với nhau rất nhiều!

Vậy, có thể nói, trong tranh luận về chính trị và trong chừng mực nào đó về tôn giáo, nếu chỉ có ý kiến/quan điểm của bạn là đúng, chỉ có đảng phái hay tôn giáo của bạn là chân lý, thì hoặc không có tranh luận hoặc có tranh luận ở tầm văn hóa thấp, hay thiếu văn hóa. Nói cách khác, môi trường chấp nhận sự đa nguyên và tôn trọng sự khác biệt của nhau, có tự do tư tưởng và tôn giáo, sẽ là môi trường có văn hóa tranh luận văn minh hơn, minh bạch hơn. Ngược lại, nếu không chấp nhận sự đa nguyên, không tôn trọng sự khác biệt, thì văn hóa tranh luận sẽ kém và rất kém. Khi tồn tại một sự im ắng thì sự im ắng đó rất có thể chỉ là bề mặt của những ức chế và giả dối “bằng mặt mà chẳng bằng lòng” mà thôi. Người sống trong một môi trường chấp nhận sự đa nguyên, tôn trọng sự khác biệt có lẽ sẽ thật lòng hay có cơ hội thật lòng với nhau hơn, cũng như tri thức mở rộng và thăng hoa hơn vì chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Vậy để nâng tầm văn hóa tranh luận, cũng như để loại bỏ dần những kiểu chửi bới, công kích cá nhân, cũng như để các nhóm có thể chia sẻ được nhiều chủ đề nhằm nâng cao tri thức, dân trí, có lẽ thay vì hạn chế các loại chủ đề như chính trị tôn giáo, chúng ta nên đặt yêu cầu tôn trọng sự khác biệt của mọi người lên hàng đầu. Yêu cầu này có thể thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nhiều “slogan” khác nhau.

Tóm lại, thay vì nhắc nhau không đề cập, tranh luận chủ đề nào đó, chúng ta nên nhắc nhở nhau tôn trọng sự khác biệt thì sẽ tốt hơn cho chúng ta cả về văn hóa lẫn tri thức.

Lê Vĩnh Triển

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh luận và văn hóa tranh luận