Tại nơi được mệnh danh ‘thiên đường thời trang’ giữa lòng thủ đô Tokyo, có ngày càng nhiều nam nữ thanh ưa chuộng phong cách trang phục “phi giới tính.” Duy, hơn cả đổi thay diện mạo bên ngoài, không ít người Nhật đang muốn đề cao một tuyên ngôn sống khác biệt, thách thức ý niệm bấy lâu của xã hội về phân định giới tính.

Trào lưu thời trang ‘phi giới tính’ ở Nhật Bản: một nỗ lực ‘xóa bỏ’ khuôn mẫu giới tính?

Như Ý | 26/01/2018, 08:56

Tại nơi được mệnh danh ‘thiên đường thời trang’ giữa lòng thủ đô Tokyo, có ngày càng nhiều nam nữ thanh ưa chuộng phong cách trang phục “phi giới tính.” Duy, hơn cả đổi thay diện mạo bên ngoài, không ít người Nhật đang muốn đề cao một tuyên ngôn sống khác biệt, thách thức ý niệm bấy lâu của xã hội về phân định giới tính.

Ngày nay, quanh hàng loạt con đường ngoằn nghèo ở quận Harajuku (Tokyo) - khu ‘thánh địa’ sầm uất của ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản, khá dễ bắt gặp một hay nhiều toán nam giới sở hữu gu ăn mặc không tuân thủ bất kì áp đặt giới tính nào.

Với gương mặt được trang điểm hợp mốt, mái tóc nhuộm màu sắc, quần áo thiết kế trẻ trung, họ thong dong dạo quanh từng cửa hàng trang phục và phụ kiện sành điệu nhất.

Ryuchell và vợ anh, Peco, đều là những tín đồ thời trang tại Tokyo

Harajuku đang dần trở thành ‘sàn catwalk’ cho tín đồ trào lưu jendaresu-kei, hay “thời trang phi giới tính.”

Mặc dù một số phụ nữ chọn cách diện quần áo nam tính cũng thuộc định nghĩa “phi giới tính,” ở Nhật, thuật ngữ jendaresu-kei chủ yếu nhằm ám chỉ những nam thanh niên tỏ ra hờ hững trước hình tượng ‘com lê/ đồ vest’ quen thuộc.

Vài cá nhân tiêu biểu, như Ryuchell - người mẫu nam được giới trẻ ưa thích, khẳng định jendaresu-kei không đồng nghĩa với hành động ‘giả nữ,’ hay, (nhất thiết) ngụ ý đến cộng đồng người đồng tính và chuyển giới tại Nhật.

Các bài viết mô tả jendaresu-kei trước đây không ít lần lờ đi điều Ryuchell lẫn nhiều fan của trào lưu thời trang này đề cao - để tách biệt khái niệm giới tính đơn thuần (cơ thể sinh học bên ngoài) khỏi khái niệm giới tính đúng nghĩa.

Theo họ, một người đàn ông không cần thiết tuyệt đối tuân thủ quy định ăn mặc nam tính như khuôn mẫu định sẵn cho họ.

Kondo Yohdi - ngôi sao ‘phi giới tính’ được giới trẻ Nhật đặc biệt yêu thích

Khoác lên người đủ dạng quần áo sặc sỡ, móng tay sơn màu cá tính, đi cùng phụ kiện nón và túi ‘kawaii’ (dễ thương), những người yêu thích jendaresu-kei đang xây dựng định nghĩa mới của phong cách thời trang nam.

Bao quát hơn, nhìn từ góc độ văn hóa - lịch sử bản địa, có vẻ họ còn đang nỗ lực mở rộng nhận thức về hình ảnh cánh mày râu trong xã hội Nhật Bản.

‘Gốc rễ’ lịch sử

Phần đông các nền văn hóa lớn toàn cầu đều có xu hướng phân chia rõ rệt tính chất giới tính: nam và nữ.

Duy lịch sử nước Nhật từ lâu đã tồn tại ý niệm ‘đa giới,’ cùng nhiều loại hình tập quán cởi mở trước phạm trù giới tính. Đây là tiền đề minh chứng nét kế thừa thú vị nơi trào lưu jendaresu-kei ngày nay.

Ở quá khứ, dưới ánh đèn nghệ thuật rực rỡ, onnagata (nam diễn viên giả nữ trên sân khấu kịch truyền thống Kabuki) và otakoyaku (nữ nghệ sĩ đóng vai nam trong thể loại kịch tổng hợp Takarazuka) nhận về danh tiếng vượt ra ngoài lãnh thổ mặt trời mọc, chính nhờ vai trò ‘đảo’ của họ khi trình diễn trước công chúng.

Thời hiện đại, giữa cuộc sống đời thực, nước Nhật xuất hiện hàng trăm câu lạc bộ giả trang (như Elizabeth Club rất có tiếng tại thủ đô Tokyo).

Chốn này đóng vai trò một địa chỉ gặp gỡ của đông đảo nam giới, thường là công chức văn phòng tuổi đôi mươi đến trung niên, những ai mong mỏi được hóa thân vào hình tượng nữ tính hơn nhằm giải tỏa stress hay vì nhiều lý do khác nữa.

Đứng trước ‘ranh giới’ giới tính

Moga, tức các phụ nữ trẻ theo đuổi trào lưu ‘tân thời,’ xu hướng thời trang với phong cách Tây phương du nhập đến Nhật Bản gần 1 thế kỉ trước.

Họ từng phải chịu chỉ trích nặng nề bởi dám cắt bỏ mái tóc dài và diện váy suôn thay cho bộ kimono truyền thống.


Người mẫu Satsuki Nakayama sớm gây dựng thành công trong sự nghiệp nhờ tạo hình tomboy nam tính của cô.

Dễ thấy, chú ý đầu tư vào diện mạo, người sống với phương châm ‘phi giới tính’ có thể hứng chịu nhiều luồng chỉ trích.

Vài nhà phê bình cho rằng, nam thanh niên Nhật đang dành thời gian chăm chút cho vẻ ngoài hơn cả phụ nữ.

Số khác lại quan ngại trước trào lưu ‘mỹ nam’ - những người mẫu nam mang dáng vóc lưỡng tính, hiện diện tràn lan nơi trang bìa nhiều tạp chí thời trang, phong cách sống trẻ. Cảm nhận phi giới tính họ thể hiện gây cuốn hút với độc giả cả hai giới.

Gần đây, soshoku danshi (hay ‘động vật ăn cỏ’) bắt đầu trở thành cụm từ mỉa mai, mô tả một bộ phận nam giới sống tại thành thị Nhật tiếp theo trào lưu jendaresu-kei.

Họ ăn mặc thời trang, chú trọng chăm sóc diện mạo cá nhân và tiếp cận phụ nữ dưới tư cách bạn bè, thay vì chủ động yêu đương. Không ít chuyên gia xã hội học bảo thủ tố cáo hành vi này là ‘hèn nhát.’

Thay đổi góc nhìn dư luận

Trong phạm vi Harajuku hiện nay, tín đồ jendaresu-kei gần như không kế thừa các trào lưu ‘phi giới tính’ tiền thân trong văn hóa Nhật.

Thay vào đó, như Ryuchell giải thích, cảm hứng để họ xây dựng phong cách riêng đến từ làn sóng K-pop thịnh hành, âm nhạc rock bản địa và thời trang Âu Mỹ thập niên 1980-90 với xu hướng ứng dụng tổng hòa màu sắc, ‘bắt mắt’ kỳ lạ.

‘Phi giới tính’ đang dần bứt mình khỏi khuôn khổ một thứ trào lưu ngắn hạn, để tìm lấy dấu ấn hợp thời, nếu không nói là cả sức lan tỏa dài lâu.

Đi cùng vô số đổi mới không ngừng của làng thời trang nói chung, jendaresu-kei chứng tỏ giá trị ảnh hưởng ngày một xa khỏi khu vực Harajuku.

Nhận định theo hướng tích cực, văn hóa ‘phi giới tính’ đang là chủ đề không thể bỏ ngõ khi nhắc đến nỗ lực xóa dần hệ tư tưởng truyền thống có phần áp đặt xoay quanh câu chuyện giới tính và bình quyền, tại Nhật Bản lẫn rất nhiều quốc gia khác.

Như Ý (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trào lưu thời trang ‘phi giới tính’ ở Nhật Bản: một nỗ lực ‘xóa bỏ’ khuôn mẫu giới tính?