Trong tủ lạnh nhà bé Su, 8 tuổi luôn chứa đầy nước ngọt có ga. Cô bé uống nước ngọt thay nước lọc.

Trẻ nghiện nước có ga: hại nhiều hơn lợi

Một Thế Giới | 18/07/2014, 16:03

Trong tủ lạnh nhà bé Su, 8 tuổi luôn chứa đầy nước ngọt có ga. Cô bé uống nước ngọt thay nước lọc.

Từ lúc 3 tuổi, Suki, nhà ở quận 3, TP.HCM đã làm quen với các loại nước uống có ga. Để dụ Suki ăn uống xong bữa, lúc nào bà giúp việc cũng để trước mặt cô một ly nước coca. Lên 5 tuổi, Suki đã không có thói quen uống nước lọc, nước tinh khiết nữa mà thay vào đó là những lon nước ngọt được để sẵn trong tủ lạnh. Bé không cần rót ra ly mà cứ cắm ống hút vào hút lấy hút để.
Khi bố mẹ cho là ‘bình thường’
Phụ huynh của 2 bé không quan tâm nhiều đến thói quen ăn uống này của các con bởi cậu con trai lớn của họ, cu Bin, 13 tuổi cũng là ‘fan’ trung thành của một loại nước uống tăng lực. Những lúc mẹ cậu đi siêu thị chưa kịp, cậu nằm lăn ra nền nhà và hét toáng lên, một hai kêu người giúp việc phải ra tiệm tạp hóa đầu đường mua cho cậu ngay 1 lốc.
Tre nghien nuoc co ga: hai nhieu hon loi
Ảnh minh họa
Bố mẹ hai đứa trẻ, những công nhân viên chức nhà nước, không mấy quan tâm việc này bởi theo họ ‘nước nào cũng chả là nước’, miễn con cái chịu ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa như con người ta là đã mừng.
“Anh chị không sợ các bé uống nhiều sẽ nguy hiểm đến sức khỏe hay sao?”, phóng viên hỏi. Họ cười: “Ôi, bây giờ nhiều đứa như vậy lắm, chúng cũng lớn phà phà, có đi bệnh viện ngày nào đâu”.
Thế nhưng, theo BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nước ngọt có gas hay nước tăng lực chứa một vài chất như cafeine – một chất kích thích làm đứa trẻ tỉnh táo, sảng khoái. Mỗi ngày một chút tích lũy cafeine có thể làm những đứa trẻ này bị lệ thuộc dẫn đến ghiền.
Trẻ ngủ ít, béo quá hoặc gầy quá
Chất ngọt trong nước giải khát có gas và nước tăng lực làm người uống “dễ chịu”. Phần lớn, khi cảm thấy mệt mỏi, khát nước, chúng ta uống nước ngọt có gas sẽ giúp đường huyết tăng. Ngoài ra, trong các loại sản phẩm này có bổ sung một vài vitamin nhóm B và vài chất giúp dẫn truyền thần kinh giúp chúng ta tỉnh táo hơn. Nhưng nếu lạm dụng, đặc biệt ở trẻ em, nước ngọt có gas và nước tăng lực nói chung có thể gây ra tình trạng kích thích thần kinh khiến cho đứa trẻ ngủ ít đi. Trong khi đó, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, trẻ em cần tăng trưởng tốt nhờ giấc ngủ.
Bên cạnh đó, các loại nước tăng lực hay nước ngọt có ga thường chứa nhiều đường, một dạng năng lượng nên trẻ dễ mất cân bằng về dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng quá mập hoặc quá gầy. Trẻ uống nước ngọt nhiều, phần lớn sẽ no ngang bụng, đến bữa chính không ăn được nhiều, trong khi bữa chính cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể đang tăng trưởng, nên rơi vào tình trạng gầy còm. Một số các em khác lại béo phì, bởi nước ngọt hoặc nước tăng lực kich thích vị giác, nên sẽ ăn nhiều hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của chị, trẻ “nghiện” nước ngọt đến chỗ chị khám thường nằm trong tình trạng thừa cân béo phì.
Tre nghien nuoc co ga: hai nhieu hon loi
Bố mẹ cần hướng cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh minh họa.
Bố mẹ cần làm gương
Theo BS. Diệp, việc điều trị cho những trẻ béo phì bị “nghiện” nước ngọt này thường bị thất bại vì cha mẹ quá chiều con, và trẻ nghiện trong thời gian kéo dài. Để giúp con, cha mẹ cần phải kiên nhẫn, và làm gương. Trong nhà không nên có các loại nước ngọt có gas hay nước tăng lực. Cai “nghiện” bằng cách giảm số lượng trẻ tiêu thụ trong một ngày hoặc một tuần. Thay vì một ngày 4 lon, trẻ sẽ uống 3 lon một ngày. Rồi cứ thế giảm bớt xuống. Cả gia đình phải có chế độ ăn uống lành mạnh.
BS. Diệp cho biết, nghiên cứu đơn độc về các loại nước giải khát có tác động đến sức khỏe như thế nào không phải dễ dàng, vì liên quan đến cả một lối sống. Nhưng người ta đã chứng minh được, với một chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm cả việc sử dụng quá nhiều nước ngọt, là những yếu tố nguy cơ của béo phì, các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường), cao huyết áp, bệnh tim mạch.
Liên quan đến tính hung hăng ở trẻ?

Các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Vermont (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 1.878 thanh thiếu niên đang theo học tại 22 trường ở Boston về lượng nước giải khát có gas mà các em đã uống. Cứ 3 em có 1 em (30%) nằm trong “nhóm tiêu thụ nhiều” (từ ≥5 lon/tuần).

Nhóm nghiên cứu nhận thấy càng tiêu thụ nhiều nước giải khát bao nhiêu, trẻ vị thành niên càng thể hiện các hành vi bạo lực. Xác suất những em này thể hiện sự gây hấn và tàn nhẫn cao hơn bạn cùng lứa tuổi không uống nước ngọt từ 9 đến 15 điểm. Nhóm nghiên cứu kết luận sơ bộ rằng, dù nước giải khát có gas không phải là nguyên nhân chính, nó cũng liên quan với tính hung hăng của trẻ.

An Quý

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ nghiện nước có ga: hại nhiều hơn lợi